Nếu ai hỏi tôi tác phẩm nào là xứng đáng nhất để cho vào danh sách những bộ phim đáng xem nhất cuối thập niên 90s của Hollywood, tôi sẽ không ngần ngại đề cử The Mummy. Lí do thì thật đơn giản, theo ý kiến riêng tôi thì đây là một tác phẩm cực kì đáng xem, mang tính giải trí và giá trị xem lại rất cao. Bên cạnh đó, ở giai đoạn cuối 90s và đầu 2000s, chúng ta vẫn rất thiếu những tác phẩm điện ảnh kết hợp hài hoà giữa tính thương mại và giá trị nghệ thuật visual như thế.
http://www.mcmbuzz.com/wp-content/uploads/2012/09/The-Mummy-Poster-e1348592388996.jpeg
The Mummy trên lý thuyết đã nên được xây dựng theo hướng “kinh dị”, và với tư duy làm phim trong thời điểm bấy giờ thì đáng lý ra chúng ta đã có một Xác ướp Ai Cập mang tính hù hoạ hơn nữa. Nhưng không, nhà làm phim đã quyết định kết hợp phong cách phiêu lưu kiểu “Indiana Jones” hài hước với một xác ướp, để rồi chúng ta có được một bộ phim đủ đáng sợ để hù doạ trẻ em (và một vài người lớn yếu bóng vía) nhưng vẫn hợp gu với mọi lứa tuổi.
Như tôi đã đề cập ở trên, tính giải trí của bộ phim này là rất cao. Người xem liên tiếp đi qua những trạng thái cảm xúc khác nhau, từ sợ hãi cho đến hồi hộp, và điểm rất hay của bộ phim chính là mối tình giữa chàng lính đánh thuê O’Connell và cô thủ thư Evelyn. Mối quan hệ giữa hai người được phát triển rất tự nhiên, có một chút “lí tưởng hoá” theo kiểu anh hùng cứu mỹ nhân nhưng vẫn chấp nhận được khi đặt giữa bối cảnh của bộ phim.
http://media.theiapolis.com/d4/hSO/i1YM5/k4/l1Z8E/w1H8/brendan-fraser-rick-o-connell-and-rachel.jpg
Thật sự dàn cast của bộ phim đã làm rất tốt phận sự của mình, Brendan Fraser với chất giọng cùng ngoại hình hấp dẫn đặc trưng của mình đã làm nên một biểu tượng của dòng phim phiêu lưu, dù khó có thể so sánh với Indiana Jones của Harrison Ford nhưng cũng là quá đủ để biến Brendan Fraser trở thành một sao hạng A. Đặc biệt, khí chất của Brendan rất hợp với tinh thần của bộ phim, O’Connell cần phải là một thủ lĩnh xuất sắc để đương đầu với xác ướp và trên hết là xứng đôi vừa lứa với người đẹp Evelyn, mà còn phải có được tính hài hước bẩm sinh trong từng lời ăn tiếng nói cũng như ngoại hình “chuẩn mực”. Tất nhiên, với những bộ phim trước mang màu sắc hài hước như “George of the Jungle” hay “Airheads” thì Brendan Fraser chính là lựa chọn hoàn hảo nhất cho vai nam chánh của The Mummy. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến cô nàng xinh đẹp Rachel Weisz trong vai thủ thư Evelyn Carnahan, có thể xem The Mummy như một nấc thang hoàn hảo để cô diễn viên tài sắc vẹn toàn này vụt sáng giữa rừng người đẹp Hollywood khi diễn xuất cũng như thần thái của cô trong bộ phim này là cực kì đáng yêu nhưng cũng không thiếu phần thông minh và quyến rũ cần thiết của một “mỹ nhân cần được cứu giúp”. Cuối cùng là Arnold Vosloo với vai xác ướp của gã tư tế Imhotep, tôi chỉ có thể xác nhận rằng ngoại hình của anh chàng này là hợp lý với vai diễn, còn về phần diễn xuất của anh trong phim đã bị kỹ xảo CGI khoả lấp gần như tất cả.
Với một bộ phim được thực hiện vào năm 1999, có thể nói The Mummy là một sự giới thiệu hoàn hảo cho kỷ nguyên 2000s của kỹ xảo điện ảnh. Các kỹ thuật CGI trên phim, đặc biệt là hình ảnh xác ướp Ai Cập được thực hiện cực kì hợp lý và hấp dẫn (tất nhiên là theo tiêu chuẩn của thời bấy giờ), dù đã gần 20 năm nhưng khi xem lại, chúng ta vẫn không cảm thấy “chướng mắt” khi chiêm ngưỡng kỹ xảo của The Mummy.
Nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim của ngày cuối tuần, tôi xin mạn phép đề cử The Mummy. Bạn có thể thưởng thức một mình, với bạn bè hoặc gia đình đều vô cùng hợp lý. Và chớ có quên mua sẵn bắp rang cùng nước ngọt, bởi vì bạn sẽ chẳng thể rời mắt khỏi màn hình đâu!
[RIGHT]Korlic[/RIGHT]