NHỮNG CHIẾC KIM ĐỒNG HỒ
Ngày nay, với cả thế giới , những chiếc đồng hồ cơ khí là cả một nghệ thuật của lao động say mê và rất đáng ngưỡng mộ của những nghệ nhân làm đồng hồ lão luyện. Trong mỗi chiếc đồng hồ cao cấp, mỗi chi tiết nhỏ đều được chăm chút một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Bộ kim đồng hồ tất nhiên không phải là ngoại lệ. Những nghệ nhân đó, theo một cách đặc biệt, họ là người hiểu rõ nhất giá trị của từng khoảnh khắc, giá trị của những chiếc kim đồng hồ hơn cả mức bình thường và xem chúng là những chỉ dẫn vĩ đại của thời gian.
Để hình dung một chiếc đồng hồ, chúng ta thường nghĩ ngay đến 2 hoặc 3 chiếc kim quay những vòng quay bất tận trên 1 mặt số. Những chiếc đồng hồ không có kim thường không có ý nghĩa xem giờ, ngoại trừ những chiếc đồng hồ điện tử với mặt hiển thị số. Ở đây, trong bài viết này, chúng ta chỉ đề cập đến những chiếc kim thú vị của các hãng đồng hồ cơ.
Nếu để so sánh việc sản xuất những chiếc kim ở hiện tại và quá khứ, chúng ta có thể quay về những năm 60 của thế kỉ XX. Lúc đó có khoảng 60 công ty sản xuất kim trên thế giới. Tuy nhiên, ngày nay chỉ có khoảng 6 công ty cung cấp hầu hết những mẫu kim cơ bản cho toàn bộ ngành công nghiệp đồng hồ. Nguyên nhân có lẽ là do sự giới hạn các nhà sản xuất do thâu tóm hoặc do những nét riêng biệt của những cây kim đồng hồ dẫn đến việc giới hạn những nhà sản xuất có khả năng làm được. Nhiều người đã nghĩ rằng những nhà sản xuất kim hiện tại là những thợ thủ công bậc thầy, thường dùng những phương pháp truyền thống trong việc sản xuất kim với số lượng lớn và phân phối chúng cho thị trường khổng lồ nhưng quan điểm đó là một sai lầm.
THƯỞU BAN ĐẦU CỦA NHỮNG CHIẾC KIM
Ban đầu, những thiết bị tính giờ chỉ có 1 chiếc kim duy nhất là kim giờ. Điều đó không thay đổi mãi đến năm 1961, khi thợ đồng hồ người Anh Daniel Quare đã thành công trong việc đặt kim giờ, kim phút lên cùng 1 trục. Bậc thầy người Anh này cũng được biết đến như là người sáng tạo lên chiếc đồng hồ điểm chuông đầu tiên trong lịch sử ngành đồng hồ với việc phát minh ra cơ cấu điểm chuông giờ và ¼ giờ.
Thời đó, những chiếc đồng hồ quả quýt không có lớp kính bảo vệ nên để chỉnh giờ con người phải dùng ngón tay để chỉnh kim do đó những chiếc kim ngày đó thường to lớn, cồng kềnh để tránh cong vênh, hỏng hóc. Những cây kim cũng thiếu sự nhã nhặn nên tính thẩm mỹ không được coi trọng. Sau đó, các nghệ nhân dần bắt đầu đánh giá cao lợi thế của tấm kính che mặt số hơn là những tấm kim loại phải mở ra mỗi khi xem giờ.
Vào thế kỉ 18, do sự phát triển của các tấm kính che mặt số nên những chiếc kim trở nên mỏng hơn, tinh tế hơn. Rất nhiều loại kim với những cái tên khác nhau lần lượt xuất hiện và nhiều mẫu vẫn còn được sử dụng phổ biến cho đến tận ngày nay.
Những kiểu kim phổ biến nhất gồm có Baaton, Dauphin (một trong những kiểu kim điển hình nhất), Feuiville, Sword, Spade, Poire, Breguet (Bộ kim được nhiều người biết đến nhất), Moon, Skeleton…Tuy nhiên, ngày nay có rất nhiều các loại kim mà chúng ta không thể kể tên hay mô tả từng chiếc một.
[ATTACH=full]585522[/ATTACH]
Những bộ kim đầu tiên được làm thủ công bằng tay nhưng từ năm 1764, những nghệ nhân đã bắt đầu sử dụng những phương pháp khác nhau. Thông thường các nghệ nhân dùng búa làm bản phác thảo từ những miếng kim loại. Đến 1800, máy ép làm kim bắt đầu xuất hiện đã tạo điều kiện thuận lợi để tăng tốc độ sản xuất sản phẩm. Ngày nay, khi công nghệ tiến đến tầm cao mới và máy tính có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực thì quá trình sản xuất kim cũng thay đổi. Tuy vậy, không phải người chơi và người dùng đồng hồ nào cũng biết những chiếc kim này xuất hiện như thế nào. Thông thường, họ dành rất ít sự chú ý cho bộ kim mặc dù không có kim thì chả ai biết lúc đó là mấy giờ J.
CÁC NHÀ MÁY SẢN XUẤT KIM
Hầu hết các công ty đồng hồ nổi tiếng của Thụy Sỹ thường đặt một vài chi tiết từ các nhà máy sản xuất độc lập khác để làm nên những sản phẩm tinh hoa của họ.
Có 2 công ty sản xuất kim chính là Fiedler SA ở Geneva và Weaber HMS SA ở thị trấn Fleurier. Nếu chúng ta không đề cập đến chủ đề kim đồng hồ thì chúng ta cũng chẳng biết hoặc cần biết đến 2 công ty này, những công ty chỉ sản xuất những thứ tý ti, tẹo teo J. Nhưng thực chất 2 nhà sản xuất Thụy Sỹ này khá lớn và có truyền thống lịch sử lâu đời.
Fiedler SA nằm ở thành phố xinh đẹp Geneva được thành lập năm 1848 và từ thời đó đến này nó vẫn là 1 công ty độc lập chuyên sản xuất kim cho những công ty đồng hồ Thụy Sỹ với chất lượng cao. Có khoảng 135 chuyên gia chuyên làm những đơn hàng từ những hãng đồng hồ lớn làm việc trong nhà máy của công ty. Giám đốc hiện tại của Fiedler SA là Isabelle Chillier, người thuộc thế hệ thứ 4 đang sở hữu công ty làm kim của gia đình. Fiedler SA bán hàng cho hầu hết các hãng đồng hồ thụy sỹ và vẫn là một trong những nhà sản xuất kim hàng đầu thế giới hiện nay.
Waeber HMS SA được thành lập bởi Roger Weaber – trước đây làm thuê cho Universo (nay thuộc Swatch Group). Roger và con trai, con gái đã tách khỏi Universo để thành lập Waeber HMS SA. Hiện tại công ty đang sản xuất kim cho rất nhiều hãng đồng hồ phân khúc sang trọng và tầm trung.
Khi mua bất kỳ chiếc đồng hồ Thụy Sỹ nào, người tiêu dùng luôn mong muốn chất lượng tốt nhất từ nhà sản xuất, mọi thứ phải đạt đến độ tiêu chuẩn Swiss made bao gồm cả bộ kim. Đó là điều mà các nhà sản xuất kim mong muốn làm theo.
Trong 10 năm qua Fiedler SA nhận được 20.000 đơn hàng và Waeber HMS SA nhận được 13.500 đơn hàng từ các nhà sản xuất đồng hồ thụy sỹ. Con số đó đủ để minh chứng cho chất lượng sản phẩm của 2 công ty này
CÁC BƯỚC SẢN XUẤT CHÍNH
Qua một thời gian dài, Từ lúc máy ép làm kim đồng hồ đã được chế tạo đến nay, nhưng những yếu tố cơ bản của máy này vẫn chưa có những thay đổi lớn. Các máy móc sản xuất kim được thiết kế cho từng công ty riêng lẻ, có tính đến các tính năng cụ thể của từng công ty sản xuất. Các biến thể của thiết bị này cũng phụ thuộc vào: những chiếc đồng hồ của từng công ty, việc hợp tác với nhà máy sản xuất kim hay quy trình sản xuất. “Bạn không thể chỉ mua một máy để làm kim đồng hồ,” giải thích Roger Waeber, Giám đốc điều hành của Waeber HMS SA. “Bạn phải tạo ra nó cho mình, thường là với sự giúp đỡ của hai hoặc ba nhà cung cấp khác nhau.”
Bước đầu tiên trong quá trình làm kim cho đồng hồ là chế biến các cuộn kim loại '. Nguyên liệu có thể là đồng thau, đồng, vàng và các vật liệu khác, ở dạng cuộn, giống như cuộn phim. Bằng cách này, các nguyên liệu để sản xuất kim không phải lúc nào cũng trùng với chất liệu case đồng hồ, và đôi khi màu sắc của chúng cũng khác nhau. Ví dụ, những chiếc đồng hồ nam “Panerai PAM 190” có một case thép được đánh bóng và kim của thép vàng, một sự kết hợp khá lạ với màu kim loại của case. Hoặc một ví dụ khác - chiếc đồng hồ nam bằng titan và kim bằng vàng. Quay trở lại quá trình sản xuất. Mỗi cuộn kim loại được đưa qua một máy cắt lỗ trên kim loại có kích thước cần thiết.
Các giai đoạn tiếp theo, móc kim cũng được thực hiện bởi một máy đặc biệt để ép ra các kim loại xung quanh các lỗ định sẵn. Móc kim rất cần thiết để đặt kim trên các bánh răng, kết nối nó với movement. Các bề mặt của kim sẽ được đánh bóng bằng kim cương. Ở công đoạn ép lỗ móc kim- có vài loại kim rất mỏng và bé mà thiết bị ép có thể gây tổn hại. Trong trường hợp đó, các thợ thủ công chuyên nghiệp sẵn sàng làm bằng tay từng chiếc riêng bằng tay. Đây là công việc rất mất thời gian và cần sự tinh tế.
Bước tiếp theo là Blanking. Đây có lẽ là, giai đoạn quan trọng nhất của sản xuất kim, bởi vì ở giai đoạn này mỗi chiếc kim phải có được đặc điểm riêng. Blanking là quá trình thức cắt kim từ miếng kim loại, đi qua một máy đặc biệt. Mỗi dấu hiệu đặc trưng phải là độc nhất, đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị đặt hàng. Để những chiếc kim phát sáng được, nó phải được phủ bằng các chất huỳnh quang, khi đó thợ làm các rãnh đặc biệt trên chiếc kim đó, và cho những chiếc kim chạy qua máy 2 lần. Bước cuối cùng là hoàn thiện và trang trí mặt kim đã hoàn thành.
Ngày nay, số lượng đồng hồ được sản xuất với số lượng lớn do đó các nhà sản xuất kim phải cố gắng bắt kịp với tốc độ và tạo ra nhiều tùy chọn khác nhau của kim đồng hồ. Có những chiếc kim thẳng, cong hoặc đa diện hoặc có những chiếc kim được sơn màu, nung, đánh mờ hoặc bóng dạng gương…Quá trình hoàn thiện kim cũng bao gồm các bước chuyển ép. Quá trình chuyển ép được dùng để làm logo công ty hoặc các số trên mặt đồng hồ. Đôi khi quá trình này cũng được áp dụng cho việc sản xuất kim để thêm các chi tiết vào kim đồng hồ. VD:
[ATTACH=full]585523[/ATTACH]
Cũng giống các đồng hồ Thụy Sỹ, Những chiếc kim được sản xuất theo một tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Qua quá trình kiểm soát chất lượng này những chuyên gia sẽ loại bỏ những chiếc cong vênh (chiếm đến 40% các sản phẩm sản xuất ra) và chỉ để lại những chiếc hoàn hảo. Người ta sẽ gắp bằng nhíp những chiếc kim đạt tiêu chuẩn này bỏ vào những chiếc túi đặc biệt và giao sản phẩm cho khách hàng.
NHỮNG CÂY KIM THỜI TRANG
Sự thay đổi nhanh chóng của thời trang cũng ảnh hưởng lớn đến toàn bộ ngành công nghiệp đồng hồ trong đó có cả ngành sản xuất kim. “Những chiếc kim trở nên to hơn và dài hơn, theo xu hướng đồng hồ size to” Giám đốc Fiedler SA, Isabelle Chillier nói. “Nhìn chúng mang hơi hướng thể thao và nhiều yếu tố kỹ thuật hơn cho thấy xu hướng cổ điển đang trở lại. Mà mọi người đều biết xu hướng cổ điển là trường tồn với thời gian. Ngày nay, chúng ta thấy những chiếc kim cổ điển đẹp thời năm 50 ngày xuất hiện càng nhiều. Những chiếc kim này được hoàn thiện riêng biệt bằng tay và được trang trí hoặc chạm khắc cầu kỳ.
[ATTACH=full]585524[/ATTACH]
Vẻ đẹp không tuổi của những chiếc kim JLC Reverso
Các công ty sản xuất đồng hồ cũng sản xuất một lượng lớn các sản phẩm có màu sắc khác nhau. Tùy theo tính năng của từng kim mà người thợ sản xuất sơn cho chúng các màu khác nhau. Các kim màu đồng hoặc đồng thau có được màu bằng phương pháp mạ điện. Mạ điện là phương pháp phủ 1 kim loại lên 1 kim loại khác. Các kim đồng/đồng thau thường được mạ điện màu vàng hoặc vàng hồng. Cũng bằng phương pháp trên, Rhodium và Ruthennium cũng được dùng để mạ lên trên kim đồng hồ. Các kim này sẽ thành màu đen thông qua quá trình oxi hóa. Những đồng hồ thể thao và bấm giờ cần dễ nhìn và nhận biết, do đó chúng được trang bị những chiếc kim phát sáng. Những chiếc kim này được phủ lên các màu đỏ, cam, vàng, xanh. Phủ màu có thể được làm riêng rẽ cho từng phần của cây kim, mũi kim có thể có màu khác nếu khách hàng yêu cầu.
Khi bàn về đồng hồ thể thao chúng ta cũng không thể không bàn đến 1 chất phủ thời trang khác như SuperLumiNova. Chất phủ này rất phổ biến ngày nay do những đặc tính ưu việt của nó. Đó là một chất phát quang đặc biệt, không giống Tritium được dùng trước đây, nó không có phóng xạ. Chất phát quang này có thời gian phát quang dài, khoảng 4-6 tiếng đồng hồ, sau khi “xạc” bằng ánh sáng mặt trời hoặc đèn. SuperLumiNova cũng được sử dụng trên mặt số nhưng nó thường được sử dụng trên kim đồng hồ hơn. Ưu điểm chính của chất phát quang này là nó không bị lão hóa.
Chiếc kim cũng có thể được phủ phát quang bất kỳ màu nào như: trắng, xanh, cam, vàng hoặc đỏ. Thật may mắn là tiến bộ của hóa học hiện đại cho phép những cây kim có thể có bất kỳ theo yêu cầu của khách hàng nhưng chất phát sáng được dùng chủ yếu cho các đồng hồ bấm giờ (chronograph watch), đồng hồ phi công (pilot watch) hay đồng hồ lặn (diver watch) như các hãng Rolex, Omega, Panerai, Bell&Ross, Azimuth, Anomino Firenze và nhiều hãng khác.
Một xu hướng kim đồng hồ khác cũng rất thịnh hành ngày nay đó là kim đồng hồ màu xanh mặc dù khó có thể gọi đó là xu hướng thời trang mới nhất và hiện đại. Những chiếc kim màu xanh này đã xuất hiện từ rất lâu và giờ xuất hiện trở lại và được coi như làn gió thứ 2 trong ngành công nghiệp đồng hồ. Những chiếc kim này được tạo ra bằng cách nung thép ở nhiệt độ cao trong một thời gian dài nhất định. Trong quá trình nung, thép không có màu xanh ngay mà chuyển từ từ sang các màu khác nhau trong suốt quá trình nung từ vàng, cam cho đến hồng hoặc tím. Chỉ khi thép vượt qua tất các công đoạn tôi luyện nó mới có được màu xanh quý giá. Những thợ đồng hồ thường gọi những chiếc kim trên là kim thép nung xanh. Rất nhiều hãng đồng hồ Thụy sỹ sản xuất sản phẩm của họ với chiếc kim thép nung xanh như Patek Philippe, Breguet, Vancheron Constantin, Cartier, Girard-Perregaux, Blancpain, Jaeger-Le-Coultre…và thông thường chúng là những model mang đậm nét cổ điển và đắt tiền thuộc nhóm Grand Complication. Những chiếc kim nung xanh một cách tổng quát là một nghệ thuật trình diễn cảm quan đặc sắc, mang lại cảm nhận tinh tế, xa xỉ và thường được coi mà màu kim kinh điển trong ngành đồng hồ.
Chúng ta thường quen với suy nghĩ những chiếc kim là những thứ tất yếu của những chiếc đồng hồ nhưng cũng chính vì nó là một phần đi liền với chiếc đồng hồ nên nó cần được mọi người hiểu về nó bằng một cái nhìn khác hơn, sâu sắc hơn. Có thể nói được điều gì nữa nếu muốn xem giờ mà chiếc đồng hồ lại không có kim (1). Tôi không nói cái movement có tội, tôi chỉ muốn mọi người để ý đến những chi tiết nho nhỏ hiển hiện ngay trước mắt nhưng lại ẩn chứa hàng vạn thứ to lớn đằng sau.
Kim đồng hồ là một thành phần tạo dáng
Những vị trí chủ chốt của ngành sản xuất đồng hồ đeo tay toàn cầu được nắm giữ bởi những công ty lớn nhất và phổ biến nhất. Họ sản xuất ra những chiếc đồng hồ nam, nữ mà được các fan đồng hồ nhận ra ngay từ cái nhìn đầu tiên (iconic watch). Một trong những nhân tố quan trọng nhất trong ngành là thiết kế nên những mẫu đồng hồ biểu tượng – để làm chúng hoàn toàn khác biệt so với triệu sản phẩm của các hãng khác. Với những người không am hiểu, ở đây sẽ lý giải vì sao việc tạo dáng sản phẩm là một tiêu chuẩn tất yếu để xác định kích thước của sản phẩm và mô tả các thành phần của nó. Trong việc tạo dáng , rất nhiều các nhân tố được coi là nhân tố tạo dáng: kiểu case, hình dáng dial, kim, các thành phần khác của đông hồ, thương hiệu…Không một fan nào của đồng hồ cao cấp lại không nhận ra mẫu Oyter của Rolex hay mẫu Royal Oak của Audemars Piguet.
Kim đồng hồ được coi là một trong những nhân tố chính trong các thành phần tạo mẫu, nó có thể là đặc điểm phân biệt chính của mặt đồng hồ. Có rất nhiều công ty sản xuất đồng hồ quan tâm đặc biệt đến chiếc kim và coi nó là biểu tượng bất tử của thời gian, dẫn dắt con người tiến vào tương lai, bởi với những chiếc kim (giây), bạn có thể nhìn thấy tương lai ngay tại lúc này.
Dưới đây, những chiếc kim nổi tiếng nhất thế giới sẽ chỉ cho chúng ta thấy chúng chỉ tương lai theo cách nào.
GIỌT LỆ BREGUET
Chúng ta sẽ bắt đầu từ mẫu kim nổi tiếng nhất thế giới, xuất hiện vào cuối thế kỷ 18. Năm 1783 là năm mà Breguet, người khổng lồ trong lịch sử đồng hồ thụy sỹ, phát minh ra hệ thống lò so điểm chuông cho đồng hồ minute repeater. Đó cũng là năm chiếc kim huyền thoại Breguet ra đời và thường được gọi là kim giọt lệ Breguet hay kim Breguet. Đây là bộ kim nổi tiếng nhất thế giới và được coi là thành phần tạo nên những mẫu đồng hồ nam, nữ nỗi tiếng nhất của Breguet. Chiếc kim có hình dáng rất đáng chú ý này có độ dài, thẳng và mỏng rất đẹp, phần đuôi kim có vòng tròn nhỏ hình dáng giọt lệ - một dấu hiệu riêng biệt mà ta có thể nhận biết mà không cần nhìn mặt đồng hồ. Đa phần các kim này được làm từ thép nung xanh.
[ATTACH=full]585525[/ATTACH]
Bộ kim kinh điển của Breguet
Ngày nay, Thuật ngữ “giọt lệ Breguet” đã được cho vào từ điển của các nhà sản xuất đồng hồ trên khắp thế giới. Nó là một phần không thể thiếu đối với các hãng đồng hồ muốn sản xuất các sản phẩm xa xỉ mang vẻ đẹp cổ điển quyến rũ, tạo nên những nét sang trọng, tráng lệ và rực rỡ như bậc vương quyền đối với người đeo.
Những chiếc kim này cũng rất tiện dụng và trực quan nhờ độ dài và màu xanh sáng của nó. Trong bộ sưu tập các sản phẩm đồng hồ Breguet có kim giọt lệ, chúng ta có thể kể tên các dòng sản phẩm ưu tú như: Đồng hồ nam Breguet Tradition với thiết kế mới theo kiểu cổ điển truyền thống, Breguet Classique là những chiếc đồng hồ đậm chất cổ điển, Breguet Classique Complication là những mẫu thiết kế mới nhất với nhiều chức năng, Breguet Herritage là những chiếc đồng hồ có case hình dáng quả trám hay những chiếc đồng hồ nữ Breguet Reine de Naples, tất cả đều được thừa nhận rộng rãi bất kể giới tính là nam hay nữ.
CÓ AI MÀ KHÔNG BIẾT ROLEX?
Khi nhắc đến tên hãng đồng hồ Thụy Sỹ, Rolex, chả ai bảo ai gần như mọi người coi đó là từ đồng nghĩa với “những chiếc đồng hồ tốt nhất”. Người ta có thể nhìn thấy chiếc Rolex từ cách xa hàng mét, thậm chí nhiều người còn biết đó là chiếc đồng hồ Rolex ngay cả khi nhắm mắt sờ nắn. Những chiếc Rolex cũng có những chiếc kim độc đáo và trở thành biểu tượng thiết kế riêng của hãng.
Nhìn qua tất cả các model của hãng có thể thấy Rolex để tâm nhiều đến kim giây, những chiếc kim này khá sáng và nổi bật trên dial của đồng hồ. Cũng theo cách đó những chiếc đồng hồ nam trong bộ sưu tập Daytona có một chiếc kim chronograph dài có màu đỏ nổi bật. Những chiếc bấm giờ này được sản xuất hướng đến các tay đua, khi mà mỗi giây đều đáng giá “ngàn vàng”. Do đó quan tâm nhiều đến chiếc kim này là điều đương nhiên.
[ATTACH=full]585526[/ATTACH]
Tiếp theo chúng ta cùng để ý đến chiếc kim giây của Rolex Milgauss. Chiếc Milgauss được thiết kế cho các kỹ sư và nhà khoa học thường xuyên làm việc trong môi trường có từ trường cao, nó có một kim giây suy nhất hình tia chớp trên mặt đồng hồ, tạo cảm giác như một tia chớp từ bầu trời đánh xuống. Chuyển động của tia chớp này trên mặt đồng hồ cũng mang lại cảm giác lạ lẫm.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến chiếc kim giờ quen thuộc của Rolex. Chiếc kim này được thiết kế hình chữ Y nằm trong vòng tròn được phủ dạ quang. Nhìn qua chúng ta liên tưởng ngay đến logo của hãng xe nổi tiếng Mercedes. Chiếc kim giòa này thường đi với các dòng sản phẩm: Rolex Deepsea, Rolex Explorer, Rolex GMT Master, Rolex Submariner, và Rolex Yacht-Master.
NHỮNG CHIẾC KIM CỦA ULYSSE NARDIN
Nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ Ulysse Nardin được coi là người sáng tạo nên những chiếc đồng hồ Grand Complication đầu tiên. Hãng nắm giữ rất nhiều kỷ lục được ghi lại trong sách Guiness cho những chiếc đồng hồ thiên văn. Bộ kim đồng hồ của những siêu phẩm của hãng cũng rất đặc biệt. Không thể lẫn đi đâu được chiếc đồng hồ huyền thoại Ulysse Nardin Marine Chronometer sản xuất từ trước 1861. Những chiếc trọng bộ sưu tập Marine Collection gần đây có một vài thay đổi, chủ yếu để tăng độ chính xác của movement nhưng những đường nét thiết kế vẫn giữ nguyên. Mặt đồng hồ gồm 3 kim dài bằng thép nung xanh, trong đó kim giờ có vẻ giống kim giây Breguet, tuy nhiên nó được phủ dạ quang vào phần giọt lệ chứ không rỗng như Breguet. Kim phút có hình dạng một chiếc dao găm. Hình dạng chiếc dao găm này cũng là đặc trưng của dòng Marine Collection.
[ATTACH=full]585527[/ATTACH]
Những chiếc kim ít nổi tiếng hơn của Ulysse Nardin là những chiếc kim “hình kiếm” đi cùng những model: Complications, Perpetual Calendars, Limited Editions, Macho Palladium 950…Những bộ kim này cũng khá phổ thông và được nhiều công ty khác sử dụng. Những model mới nhất của Ulysse Nardin thường sử dụng kim dạng xuyên thấu (Skeletonized hands) như chiếc đồng hồ platin Ulysse Nardin Royal Blue Tourbillon sử dụng 2 chiếc kim bạch kim hình chiếc lá thủng. Những chiếc kim này gây sự chú ý ngay từ cái nhìn đầu tiên và để lại ấn tượng khó quên về một thiết kế “dị”.
Và cuối cùng, là chiếc kim “quái vật” của Ulysse Nardin Freak 28’800 V / h Diamond Heart. Thiết kế rất lạ, có sự ngông cuồng nhưng lại nổi bật và đi chệch khỏi khuôn mẫu truyền thống của những chiếc kim đã phổ biến trong ngành. Chiếc kim thực ra này là 1 bộ phận của movement. Trong quá trình quay, chuyển động 1 cầu trở thành kim phút có kích thước lớn quay quanh trục của nó. Chiếc kim đồ sộ là nhân vật chính của mặt đồng hồ và chuyển động của chiếc kim gây ngạc nhiên thích thú cho người xem giờ. Với chiếc kim độc đáo này Ulysse Nardin Freak Diamond Heart đã đạt đến đỉnh cao trong thiết kế.
GRANDE SECONDE – NHỮNG CHIẾC KIM GIÂY LỚN CỦA JACQUET DROZ
Jaquet Droz - một trong những xưởng sản xuất đồng hồ lâu đời của Thụy Sỹ - là công ty luôn nhấn mạnh đến yếu tố cảm xúc và tính thẩm mỹ trong mỗi chi tiết sản phẩm của họ. Hai yếu tố này cũng hòa quyện lẫn nhau trong mỗi kiệt tác của hãng. Bạn có thể thấy rõ điều ấy trong bộ sưu tập Grande Second. Jaquet Droz đã sáng tạo nên một mẫu đông hồ mà sau này được gọi là thiết kế hình số 8. Chiếc đầu tiên của thiết kế này là Grande Second Hand, đã mang đến cho thế giới cách tiếp cận mới về không gian và thời gian. Model đầu tiên của bộ sưu tập Grande second được nhà sáng lập Jaquet Droz chế tạo năm 1785 và từ đó chiếc đồng hồ này được những người yêu mến đồng hồ cao cấp trên khắp thế giới biết đến. Một điều thú vị là tuy những người thợ của Jaquet Droz không để tâm nhiều đến những complication mới nhất mà chỉ tập trung giới thiệu những sản phẩm có thiết kế kim giây lớn như một biểu tượng bất tử của hãng. Tuy vậy, hãng vẫn sản xuất những chiếc Jaquet Droz Grande Second có tính năng minute repeater hay tourbillion. Chiếc kim giây lớn của Jaquet Droz có lẽ là những chiếc kim có triết lý nhất trên thế giới. Những chiếc đồng hồ nam hay nữ thuộc bộ sưu tập này của hãng đều có 2 mặt số, mặt chỉ giờ, phút ở vị trí 12h và mặt chỉ giây ở vị trí 6h. Hai mặt của đồng hồ có điểm giao cắt như hình số 8, giống với biểu tượng vô hạn khi nhìn ngang. Mặt chỉ kim giây là phần phình to như phần dưới của số 8, chứa duy nhất chiếc kim giây luôn dài và mỏng hơn, mặt chỉ có kim giờ và kim phút nằm bên trên. Thiết kế này thể hiện quan điểm của Jacquet Droz trong việc đo đếm thời gian. Cho đến tận ngày nay, là nét riêng để phân biệt đồng hồ của hãng so với các hãng thụy sỹ khác tại La Chaux-de-Fonds.
NHỮNG CHIẾC KIM RETROGRADE CỦA VAN CLEEF & ARPELS
Chúng ta đã nói nhiều về các kiểu dáng kim thông thường, nguyên liệu chế tạo hay sơn phủ. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những chiếc kim retrograde đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ ngành công nghiệp đồng hồ. Về mặt cảm quan, những chiếc kim retrograde rất dễ nhìn. Chúng di chuyển theo hình vòng cung với quỹ đạo riêng qua các mốc thời gian và sau đó “nhảy” về 0. Tuy nhiên, sự hợp tác của Van Cleef & Arpels với bậc thầy đồng hồ Jean-Marc Wiederrecht đã mang đến cuộc cách mạng lớn cho những chiếc kim Retrograde.
Một trong những model rực rỡ nhất của Van Cleef & Arpels là chiếc đồng hồ nữ Van Cleef & Aprels Feerie. Bà tiên tay cầm một đũa phép, phía cuối chiếc đũa phép là các mốc chỉ giờ, còn đôi cánh lộng lẫy xòe ra chỉ phút.
[ATTACH=full]585528[/ATTACH]
Một model khác là Van Cleef & Aprels Pont des amoureux là một tuyệt phẩm sáng tạo của sự lãng mạn trong ngành đồng hồ. Dường như không có một chiếc kim này trên dial. Thời gian được cách điệu bởi hình ảnh một đôi nam nữ gặp nhau trên một chiếc cầu dưới ánh trăng sáng.
Cuối cùng, đôi trai gái tìm thấy nhau như kết thúc có hậu của mọi câu chuyện tình yêu được kể lại.
Sức sáng tạo của Jean-Marc Wiederrecht dường như không có giới hạn, minh chứng là sản phẩm tiếp theo có tên “5 tuần trên khinh khí cầu” của Van Cleef & Aprels. Mặt số được thiết kế với một chiếc khinh khí cầu lớn. Kim retrograde được cách điệu là con chim bạc bay trên bầu trời, và kim chỉ phút là chiếc mỏ neo của khinh khí cầu.
[ATTACH=full]585529[/ATTACH]
Năm 2011, hãng lại ra mắt sản phẩm mang tên “Giai điệu đàn bướm” với các kim chỉ giờ được cách điệu bởi 2 chú bướm bay xung quanh một cây cổ thụ lớn. Cũng năm này hãng giới thiệu chiếc “Từ trái đất tới mặt trăng” cho cuộc đấu giá “Only Watch” với kim giờ là kim giây là hình ảnh ngôi sao và tên lửa bay trong vũ trụ. Tất cả các sản phẩm trên đều được sản xuất giới hạn bằng các chất liệu quý với sự phức tạp trong cơ cấu chỉ giờ đã cho thấy đỉnh cao trong ngành chế tác đồng hồ của các nghệ nhân Van Cleef & Arpels.
NHỮNG CHIẾC KIM CỦA CÁC NHÀ SẢN XUẤT ĐỒNG HỒ ĐỘC LẬP
Gần đây, rất nhiều bậc thầy chế tác đồng hồ thường đứng ra thành lập nên các hãng đồng hồ độc lập, trong đó không ít các thương hiệu đã đạt được thành công rộng rãi và sớm trở nên phổ biến.
Với sự đa dạng về thương hiệu độc lập, cũng như tính độc nhất của nhiều sản phẩm của từng hãng mà bộ kim của mỗi hãng đều rất độc đáo. Trong khuôn khổ bài viết này xin phép chỉ đề cập đến bộ kim của 2 nhà sản xuất độc lập nổi tiếng hơn cả là Kari Voutilainen và Speake Marine.
- Kari Voutilainen
Những sản phẩm của nghệ nhân bậc thầy này được công nhận bởi những thiết kế với những nét đặc trưng cùng những công nghệ mới nhất của 1 sản phẩm cơ khí hoàn hảo. Để được chú ý đến giữa vô vàn các sản phẩm cạnh tranh khác thì những sản phẩm của các hãng độc lập phải tách ra khỏi đám đông và khác biệt. Nói về điều này, Kari Voutilainen đã thành công. Kari sinh năm 1962 ở Phần Lan và đã học chế tác đồng hồ trong một thời gian dài ở Thụy Sỹ. Năm 2002, ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng của mình. Hầu hết các model của Voutilainen được làm bằng tay, nên số lượng rất giới hạn. Mỗi sản phẩm lại sở hữu những kỹ thuật riêng và mang tính thẩm mỹ rất cao, cho thấy tay nghề điêu luyện của ông.
Những chiếc đồng hồ của ông thường có điều gì đó rất đặc biệt thu hút ánh mắt của người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sự xuất hiện của những chiếc kim, cọc số, các chữ số Arab hay La mã đều được sắp xếp gọn gàng, tinh tế và nhìn rất quang mắt tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về thời gian. Chiếc kim của ông theo nhiều người là một trong những yếu tố thành công nhất. Ban đầu có cảm giác nó hơi giống kim Breguet nhưng không phải. Chiếc kim của Kari có vòng tròn lớn hơn, mũi kim to hơn, thân kim dầy hơn và cảm giác cứng cáp hơn Breguet. Hầu hết các kim Breguet được làm bằng thép xanh còn kim của Kari thì không.
[ATTACH=full]585530[/ATTACH]
- Kari Voutilainen GMR Kari Voutilainen Observatoire*
Thiên tài chế tác đồng hồ này là một trong số ít những người thợ giỏi nhất thế giới, các sản phẩm của ông thường mang đến cho mọi người những bất ngờ đến kinh ngạc và thường đoạt giải ở cuộc thi đồng hồ danh tiếng Grand Prix d’Horlogerie de Genève như: chiếc Kari Voutilainen GMR hay Kari Voutilainen Observatoire.
- Speake Marine
Speake Marine là hãng đồng hồ độc lập chuyên sản xuất các sản phẩm hi end được thành lập năm 2002 bởi thợ đồng hồ bậc thầy người Anh Peter Speake Marine và có trụ sở tại Bursins, Thụy Sỹ. Peter sinh năm 1968 tại Essex, nước Anh. Sau khi tốt nghiệp khóa học chế tạo đồng hồ ở trường Đại học kỹ thuật Hackney, Luân Đôn năm 1985, ông đến Thụy Sỹ và tham gia học chuyên sâu tại trường dạy đồng hồ nổi tiếng WOSTEP tại Neuchatel. Ông trở lại Anh sau đó và gia nhập Somlo Antique để phụ trách bộ phận chuyên phục chế đồng hồ cổ. Sau 7 năm làm việc tại Somlo, ông trở lại Thụy Sỹ lần 2 vào năm 1996 để phát triển mẫu các mẫu hi end complication cho Renaud & Papi (hiện nay là Audemars Piguet Renaud & Papi SA) và sau đó thành lập hãng đồng hồ độc lập mang tên mình vào năm 2002.
[ATTACH=full]585531[/ATTACH]
Ba trong số nhiều mẫu kim khác nhau của Speake Marine
Nói về những chiếc kim, Speake-Marin hiện vẫn đang áp dụng những kỹ thuật truyền thống để làm những chiếc kim mang bản sắc riêng. Qui trình chế tác kim của Speake-Marin gồm 12 bước. Để làm một bộ kim, Speake-Marin mất ít nhất một ngày nhưng bù lại những chiếc kim sẽ tôn thêm giá trị của những chiếc đồng hồ mà chúng đi kèm. Nhãn hiệu độc lập này hiện đang sở hữu khoảng 10 mẫu kim khác nhau và tất cả đều có những dấu ấn phong cách riêng cho những chiếc đồng hồ Speake-Marin.
LỜI KẾT
Bài viết này muốn hướng sự chú ý của mọi người đến bộ kim của bất kỳ chiếc đồng hồ nào. Quan niệm về thời gian của mỗi cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào những bộ kim kỳ diệu này. Khi nhìn những chiếc kim lớn trên những mặt đồng hồ lớn ở bến xe, bến tàu chúng ta cảm nhận được thời gian trôi qua rõ rệt đến từng giây, còn đối với những chuyển động nhỏ trên cổ tay thì khó nhận thấy hơn.
Ngoài ra, rất nhiều thứ trong cuộc sống ngoài thời gian của bạn, phụ thuộc vào vị trí của những cây kim. Trong nhiều poster quảng cáo đồng hồ thường có bộ kim đứng ở vị trí 10h10. Ưu điểm đầu tiên của các chỉnh kim này là khiến các kim không bị trùng lên nhau, do đó khách hàng sẽ chiêm ngưỡng được toàn bộ thiết kế của kim, đặc biệt ở những mẫu đồng hồ đeo tay hạng sang. Bên cạnh đó khoa học đã chứng minh con người có xu hướng thiện cảm với các kết cấu đối xứng. Do đó bố trí 10h10 sẽ giúp chiếc đồng hồ bắt mắt hơn. Cuối cùng, cách chỉnh này còn giúp “tôn dáng” những chi tiết khác trên mặt đồng hồ. Ví dụ như logo của nhà sản xuất, thường được đặt ở chính giữa và dưới số 12, nổi bật giữa khung của kim phút và kim giờ. Còn ô hiện ngày tháng, thường có vị trí gần số 3,6,9 sẽ không bị che khuất.
Trong thời chiến tranh, thì biểu tượng chiếc kim tại 10h10 giống hình chữ V, viết tắt của từ Victory (chiến thắng). Trong y tế thì 10h là khoảng thời gian nguy hiểm nhất trong ngày khi nguy cơ đột quỵ có khả năng bắt đầu từ thời gian này. Trong thường nhật ở các nước phát triển thì một ngày làm việc bắt đầu từ 9h, cộng thêm thời gian ăn sáng và café thì khoảng 10h là thời gian chính thức làm việc. Trong công nghiệp thì 10h10 là mốc thời gian được cài trên tất cả các dây chuyền lắp ráp máy móc.
Theo tiết lộ từ những nhân viên của hãng đồng hồ nổi tiếng Timex, trước đây kiểu chỉnh kim tiêu chuẩn là 8h20. Tuy nhiên, chỉnh kim kiểu này lại khiến chiếc đồng hồ giống như một bộ mặt đang cau có. Để sản phẩm của mình trở nên vui vẻ hơn, các nhà sản xuất đã đảo ngược hai kim lại về 10h10 để có hình dáng của một nụ cười. Từ đó 10h10 trở thành kiểu chỉnh kim truyền thống, thậm chí còn là giờ mặc định của cả những chiếc đồng hồ.
Tất cả những câu chuyện trên suy cho cùng cũng chỉ là những câu chuyện vui để nói lên tầm quan trọng của những chiếc kim – những thứ tuy nhỏ nhưng không hề nhỏ. Bởi với nó, chúng ta vẫn phải vặn tới, vặn lui mỗi ngày để chỉnh giờ cho chính xác. Nó giúp con người quản lý và phân bổ thời gian một cách hiệu quả cho từng công việc với mức độ quan trọng khác nhau một cách hợp lý nhất bởi ai đó đã nói rằng tiền có thể mua được chiếc đồng hồ nhưng không mua được thời gian.
Mời các bạn đọc bài: Phân loại đồng hồ theo những cây kim***
[RIGHT]Nguồn:
Ablogtowatch.com
Montre24.com[/RIGHT]