Một sinh viên có nick là “seekvn2000” phản ánh việc nhiều sinh viên phải bỏ hơn 500.000đ để qua được môn đồ án của thầy Ng.T.D (tiến sĩ, trưởng bộ môn Cơ sở thiết kế máy của trường ĐHBK HN) trên diễn đàn Edu.net, trong chuyên mục “Chất lượng đại học là thế này đây thưa bộ trưởng”.
Chuyện ngược đời: Thầy tặng “quà” trò nhân ngày 20/11
"Trong thời gian sắp thông qua đồ án, sinh viên tung tin đã ghi được hình ảnh một vụ mua điểm của một thầy giáo bộ môn Cơ sở thiết kế máy.
Ngay lập tức thầy D. cho gọi sinh viên các lớp chịu sự hướng dẫn của thầy giáo đến nhận lại tiền. Nội dung nhận lại tiền được hợp đồng như sau :
Tên em : Nguyễn Văn A
Lớp : Máy hoá K47
Em đã nhận được quà 20/11 của thầy
Kí tên.
Toàn bộ thông tin này được lưu vào một cuốn sổ để tránh sinh viên đòi lần 2…”
(Trích thư ngày 16/1/2006 gửi lãnh đạo Bộ tại địa chỉ: http://diendan.edu.net.vn - mạng chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Ngay từ khi xuất hiện trên diễn đàn, lá thư đã gây một cú “sốc” trong giới SV, thu hút sự quan tâm đông đảo của dân mạng. Hàng nghìn lượt người truy cập vào địa chỉ này, hàng trăm ý kiến tham gia thảo luận sôi nổi và nghiêm túc.
Cũng trong lá thư trên, người viết có nick (bí danh) là “seekvn2000” (dưới đây gọi tắt là seek) phản ánh thầy Ng.T.D. (trên mạng tên thầy D. được viết đầy đủ), tiến sĩ, trưởng bộ môn Cơ sở thiết kế máy của trường ĐHBK HN đã không hướng dẫn SV đủ số giờ học (chỉ dạy 6 trên tổng số 24 tiết). Việc góp ý sửa chữa đồ án cho SV không thực hiện tại trường mà lại tiến hành ở… nhà thầy, vào buổi tối.
Về chuyên môn, là người hướng dẫn, nhưng có đồ án thầy D. thông qua một cách qua loa, đến khi SV bảo vệ (với một thầy giáo khác), thầy này phát hiện thấy sai ngay từ đầu, hỏi : “Ai hướng dẫn anh làm đồ án, sai thế này mà cũng cho đi bảo vệ à?”.
Sự thiếu trách nhiệm và tùy tiện của thầy D. còn thể hiện ở chỗ, có SV chỉ được thầy thông qua đồ án trước lúc đi bảo vệ có 30 phút (theo quy định là phải trước 1 ngày), dẫn đến những chuyện dở khóc, dở cười. Vì sao thầy D. lại dễ tính như vậy?
“Trong quá trình chuẩn bị cho đến khi bảo vệ, một số lớp đã tổ chức đi phong bì cho thầy giáo hướng dẫn để nhờ giúp đỡ…” “một lần thực tế tôi có mặt tại nhà riêng thầy D, số lượng sinh viên tụ tập trước nhà thầy rất đông, trong đó bao gồm cả sinh viên chính quy và tại chức. Họ bàn luận công khai và nói mức tiền để được qua đồ án. Có những sinh viên bỏ hơn 500.000đ để qua được môn đồ án”. (seek)
Chúng tôi chú ý đến chi tiết khôi hài nhất là thầy giáo tặng “quà” cho SV nhân ngày 20/11, ngày cả nước tôn vinh các nhà giáo. Đọc kỹ thì hình như đây là thầy “trả lại quà” (của trò biếu) nhân ngày 20/11.
Chúng tôi hoang mang, thậm chí phẫn nộ, tự hỏi phải chăng, “seek” là một SV dốt nát nào đó đang tìm cách bôi nhọ thầy giáo của mình? Thời buổi bây giờ, độ tin cậy thông tin trên mạng thường không cao. Nhưng rồi lại nghĩ, thư đăng trên một diễn đàn nghiêm túc của Bộ GD&ĐT, đã được các admin (quản trị mạng) kiểm soát chặt chẽ. Hơn nữa nó nằm trong chuyên mục “Chất lượng đại học là thế này đây thưa bộ trưởng” in chữ mầu đỏ.
Seek tuy giấu tên nhưng không giấu tung tích: “Tất cả những thông tin trên hoàn toàn chính xác, tôi có thể đảm bảo chính kiến của mình nếu phải đối mặt chất vấn… cá nhân tôi, thầy Quách Tuấn Ngọc (một nhà giáo có uy tín, giám đốc TT mạng) đã có đủ thông tin. Nếu Bộ trưởng (Nguyễn Minh Hiển) và Vụ trưởng (Vụ Đại học và sau đại học Trần Thị Hà) cần nhân chứng và cơ sở căn cứ tôi có thể huy động tới gặp”.
Đây hẳn là người dám dấn thân và dám chịu trách nhiệm. Chúng tôi quyết định gặp một số SV lớp Máy hóa K47 để tìm hiểu thực hư vụ việc.
“Chúng em cần sự công bằng và xử lý nghiêm minh”
Chúng tôi gặp 4 sinh viên có gương mặt sáng trưng, thông minh, lanh lợi. Thoạt tiên các em từ chối trả lời câu hỏi của chúng tôi. Nhưng khi chúng tôi thuyết phục, rằng nếu seek sai, thì đây là hành động cần phải bị lên án; còn nếu seek đúng thì chúng ta không thể để bạn ấy đơn độc, thì họ đã đồng ý.
“Đầu tháng 2, lớp chúng em được thông báo là thanh tra trường và bộ môn sẽ xuống xác minh thêm vụ việc. Đến khi gặp mới biết “thanh tra trường và bộ môn” lại chính là thầy D. và một số thầy trong bộ môn Cơ sở thiết kế máy.
Thầy D. đặt cho lớp 14 câu hỏi, đại loại “thầy có gợi ý SV mang phong bì đến không?”, “ai là seekvn2000”, “có ai xúi giục các em không”… sau đó nội dung cuộc họp được ghi thành biên bản, và đại diện lớp phải ký vào”.
“Chuyện thầy D. tặng “quà” cho SV có hay không?” - “Thầy D. đã thừa nhận là có nhận quà của SV, nhưng không biết trong quà có phong bì tiền, nên khi phát hiện ra thì thầy trả lại”
“Trả lại sao thầy còn bắt viết giấy biên nhận?” - “Chúng em chịu. Nhưng quyển sổ biên nhận thì hình như bây giờ đang lưu trên văn phòng khoa”.
“Việc SV phải “đi thầy” trước mỗi kỳ thi có phổ biến không?” -“Cũng khó nói, ai đi thì người ấy biết thôi !”
“Số tiền mỗi lần đi là bao nhiêu?” - “Tùy mức độ dễ, khó của môn học, tùy vào việc mình là SV chính quy hay tại chức. Dao động từ 100 đến 500 nghìn. Bọn em tính với một số môn thi và số lượng SV trả thi, có thầy chỉ sau một năm là có thể xây được nhà!”.
“Thế vì sao seek lại quyết định phá vỡ luật im lặng?” - “Thà cắn răng vào mà học, thi không được thì học lại! Bọn em chịu không nổi sự bất công mãi thế này”
“Có sợ thầy biết, thầy trù không?” - “Có chứ ạ. Nhưng chúng em còn cần công bằng và sự xử lý nghiêm minh hơn”.
Để cho không khí bớt nặng nề, chúng tôi hỏi vui: “Thế trong số các em đây, ai là seek nào?” Cả 4 khuôn mặt đều tủm tỉm, và cách trả lời thật thông minh: “Câu này nghe quen quen, giống câu của thầy D. hỏi trước lớp!”
Tham gia diễn đàn trên, bạn có nick “bluesea” cay đắng kể lại: “Khi đọc bài Chất lượng giáo dục đại học…, tôi thấy hoàn toàn không bất ngờ và tin vào chuyện này 100%… Tôi đang là sinh viên năm cuối của HVNH, chuẩn bị ra trường nhưng tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ muốn quay trở lại hay để con cái mình sau này học ở trường này nữa!
Điển hình trong trường tôi là thầy N.T.T, dạy môn Thanh toán quốc tế và Tín dụng quốc tế… Điểm số sẽ tỉ lệ thuận với số tiền đi thầy, những ai không đi thì làm bài tốt đến mấy cũng chỉ dám cầu trời cho được 6,7 là may. Còn ai đi thầy nặng đô thì khỏi phải lo, chỉ cần không để giấy trắng thì chắc chắn điểm giỏi!”
Một SV khác viết: "Em đã theo dõi và đọc rất kĩ chủ đề này. Em đang theo học chương trình hợp tác đào tạo quốc tế ITP thuộc trường ĐH BK và được thầy D. dạy hai môn trong hai kì 4,5 là Chi tiết máy và Nguyên lý máy, sắp tới là đồ án chi tiết máy.
Sự thực về thầy D. thì như mọi người đã nói và bản thân em đã được chứng kiến, em không phủ nhận điều đó. Nhưng em thấy tất cả cũng chỉ tại sinh viên mà thôi những người muốn nâng điểm hay học kém.
Bằng chứng là trong khi 2/3 số các bạn trong lớp em đến gần kì thi đều đến nhà thầy, đưa cho thầy phong bì từ 200 nghìn đến 500 nghìn để mong thầy giúp đỡ, nghe các bạn kể lại là được thầy tiếp đón rất nhiệt tình và cho 6 đề trước, và thậm chí hướng dẫn cách làm trước.
Các bạn có khuyên em nên “đi thầy” để lo cho điểm của mình, nhưng em nhất định không đi và kết quả cũng không tồi, em được 7 điểm. Và có những bạn đã “đi” mà không làm được bài thì vẫn trượt như thường…”
Bộ GD&ĐT: Xử lý dứt điểm vụ việc trong đầu tháng 3/2006
Với tính thận trọng cố hữu của người làm báo, chúng tôi dự định sẽ gặp lãnh đạo Bộ GD&ĐT, trước hết là bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học và sau đại học, một trong những người mà seek đã gửi thư.
Chưa liên hệ được với bà Hà thì một người tự nhận mình là seek gọi điện cho chúng tôi: “Theo thông tin chúng em nhận được thì khoa Cơ khí đã có kết luận là thầy giáo D. “không có gì”. Nếu như vậy thì em sẵn sàng cùng các anh đi gặp lãnh đạo Bộ!”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hà cho biết, về việc này bà đã làm việc với thầy Nguyễn Cảnh Lương - Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng là người phụ trách công tác thanh tra của trường.
Những gì SV phản ánh liên quan đến việc dạy và học, Bộ đã có quy chế và sẽ xử lý nghiêm khắc các sai phạm. Những sự việc khác, Bộ chỉ đạo trường làm thật nghiêm túc, báo cáo kết quả lên Bộ vào đầu tháng 3/2006.
Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Cảnh Lương thì được biết ông đang đi công tác tại TPHCM. Ông cho biết, hiện nay trường đang tiến hành thu thập các thông tin và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm túc vụ việc theo chỉ thị của Bộ.
Hỏi: “Thưa ông, trước đây ở trường đã xảy ra những vụ việc nào tương tự như thế này chưa?” - “Những việc nhỏ, ở mức độ khác nhau thì cũng từng có và chúng tôi đã xử lý. Nhưng đưa thông tin lên mạng thế này thì đây là lần đầu tiên”.
“Nhà trường có đảm bảo rằng người tố cáo sẽ không bị trù dập không?” - “Thay mặt nhà trường, tôi cam đoan là người tố cáo đúng sẽ được bảo vệ, người sai phạm sẽ bị xử lý.”
Hiện tượng một số SV thông qua công cụ mạng thông tin Internet đã dũng cảm tố cáo những việc làm sai trái của thầy cô giáo không phải là việc làm trái đạo lý mà đã chứng tỏ bản lĩnh và trách nhiệm của các em với bản thân và xã hội. Các em không phải là những con cừu non thụ động, mà đã biết tận dụng quyền làm chủ của bản thân với tương lai của chính mình.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin kết quả xử lý vụ việc nói trên vào một dịp thích hợp.
Nguồn: http://www.dantri.com.vn/Sukien/2006/2/103676.vip
p/s: Quá buồn quá buồn, hic hic em cũng là cựu sinh viên BK. Hồi xưa đâu có việc này cơ chứ.