Mài ngòi Italic - Cursive Italic

Mấy bữa đi thử viết thì bị chú @yenlinh dụ dỗ vụ Italic nên tự nhiên thấy cũng thích ngòi này, công nhận viết khá thích. Có điều mấy cái ngòi hiện tại đa số toàn là ngòi tròn, cách tốt nhất là… mài :D. Bữa nay cuối tuần rảnh rỗi, quyết định lôi mấy cây viết Tàu ra thử nghiệm. Sau khi nghiên cứu thì thấy… nhắm làm được, nên thôi thì làm luôn, được thì xài, không được thì bỏ cũng không tiếc lắm. Cái này em không khuyến khích nếu không có kinh nghiệm chỉnh ngòi, rủi mài hư 1 cái là… đi luôn vì không cách nào cứu vãn, trừ khi gửi đi re-tip lại. Hình chụp không phải tấm nào cũng rõ, vì chụp bằng điện thoại và macro bằng… kính lúp cầm tay nên cũng đã cố gắng lắm rồi.

**Bước 1 - Chuẩn bị đồ nghề: **
Đồ nghề khá đơn giản, chủ yếu là đá mài và… các loại giũa móng tay. Cái này đi ra tiệm kềm Nghĩa bán đủ kiểu đủ cỡ, đợt nhờ vợ mua giùm :D. Trong đó quan trọng nhất là giũa loại nhám nhất (cây thứ 2 từ bên trái qua), đá mài, và giũa bóng 4 mặt (cục từ thứ 5 từ bên trái). Bên cạnh đó cần 1 số thứ quan trọng khác như kính lúp, tấm lót chống trượt (lót đá mài để khỏi chạy), nước lọc để mài ướt và rửa ngòi, khăn giấy để lau sau mỗi lần mài và giấy để thử. Đương nhiên cuối cùng là cần 1 cây viết để thử nghiệm :D, 1 em Jinhao X750 được chọn vì tip khá lớn.

Dễ nhất khi mài là viết không có mực để đỡ dây ra ngoài. Khi thử chỉ việc chấm mực là được. Việc chấm thử là cần thiết sau mỗi một bước để xem kết quả thực tế thế nào vì chỉ khi viết mới biết chính xác kết quả.

[ATTACH=full]523826[/ATTACH]

Bước 2 - kiểm tra tip và quyết định kiểu mài:
Bước này khá quan trọng, vì tuỳ tip còn thế nào thì mới tính mài thế ấy. Do lần đầu thử nghiệm nên em quyết định mài Crisp Italic và sau đó là Cursive Italic thay vì Oblique vì em chưa có kinh nghiệm với Oblique nhiều lắm. Soi cận cảnh tip của em X750 này thì khá lớn và tròn, nên việc mài sẽ tương đối dễ.

[ATTACH=full]523827[/ATTACH]
[ATTACH=full]523828[/ATTACH]
**
Bước 3: Mài bằng mặt trên và mặt dưới của ngòi**.
Do quyết định mài Italic, do đó việc đầu tiên là sẽ phải làm bằng 2 mặt trên và dưới của ngòi. Bắt đầu bằng giũa nhám lớn (cây thứ 2 đã nói ở trên), giữ viết theo mặt nằm ngang và mài qua lại khoảng 10-15 lần, kiểm tra lại tiến trình và mài tiếp nếu cần. Em mài mặt dưới ngòi này hết khoảng hơn 1 phút. Sau khi kiểm tra thấy đã mài gần bằng thì chuyển qua đá mài để mài tiếp, và bắt đầu dùng các loại giũa mịn hơn đến khi bằng hoàn toàn như mặt dưới trong hình.

[ATTACH=full]523829[/ATTACH]

Tiếp theo là mặt trên, đơn giản là lật ngửa viết lên và mài tương tự như mặt dưới. Tiến hành mài trên từng loại giũa đến khi bằng như mặt dưới.
[ATTACH=full]523830[/ATTACH]

Bước 4 - Mài bằng đỉnh trên của ngòi: Crisp Italic
Sau khi mài mặt trên và dưới, phần đỉnh của ngòi vẫn còn tròn, do đó nét ra vẫn chưa có line-variation như mong muốn. Mục đích của bước này là mài bằng phần đỉnh này, để mặt cắt ngang sẽ lớn hơn độ dày của ngòi, từ đó tạo nét dọc sẽ dày hơn nét ngang. Hình bên dưới là trước khi mài.
[ATTACH=full]523831[/ATTACH]

Bước này là khó nhất vì phải cầm đứng viết theo góc 90 độ và mài theo 1 chiều duy nhất, thay vì mài qua mài lại như bước trước để tránh lệch là tines. Điểm khó là giữ góc 90 độ, nếu không sẽ thành oblique không mong muốn như hình dưới (ngòi bị nghiêng từ trái sang phải). Và chú ý mài khúc này cần chậm và kiểm tra liên tục vì phần đỉnh này mòn nhanh hơn 2 mặt trên dưới nhiều.

[ATTACH=full]523832[/ATTACH]

Giải pháp là xoay viết 180 độ và tiếp tục mài theo cùng 1 hướng chứ đừng mài theo hướng ngược lại vì rất dễ tạo ra đỉnh nhọn. Sau 1 hồi mài cẩn thận, kết quả ngòi đã được vạt ngang 1 đường khá đẹp.
[ATTACH=full]523833[/ATTACH]

Tới đây thì phần mài Crisp Italic đã xong, viết thử vài nét đã.
[ATTACH=full]523834[/ATTACH]

Line variation của ngòi Crisp Italic rất tốt, bù lại cảm giác viết không thể chịu nổi vì rất gai và góc viết rất nhỏ. Nếu xoay nhẹ 1 tí là không viết được. Do đó bước tiếp theo là làm tròn bớt các cạnh và góc và mài thành Cursive Italic.

Bước 5 - Mài Cursive Italic
Do nhược điểm khó viết của Crisp Italic, nên đa số mọi người sẽ thích ngòi Cursive Italic hơn. Đây là 1 dạng giảm bớt độ gai và tăng góc viết bằng cách mài mỏng bớt ngòi đi, và bo tròn 1 ít các cạnh và góc để tránh cào giấy. Do đó line variation của Cursive Italic sẽ ít hơn Crisp, nhưng bù lại cảm giác viết sẽ tốt hơn rất nhiều. Điểm khó của bước mài này là nếu mài quá tay thì ngòi sẽ… trở lại tròn vo như ban đầu :smiley:

Đầu tiên của việc mài cursive Italic là sẽ phải mài mỏng bớt độ dày của ngòi. Bước này thực hiện tương tự như bước 2

Sau đó sẽ là vuốt tròn 2 cạnh ngang, bước này khá quan trọng vì sẽ tạo cảm giác trơn khi viết. Thực hiện bằng cách đặt mặt ngòi nằm ngang, vừa vuốt mài vừa dựng đứng viết lên thành góc 90 độ. Tránh mài quá nhiều để bị thành ngòi tròn, nên chỉ vuốt khoảng 2-3 đường mài và chỉ theo 1 hướng duy nhất. Xoay 180 độ và mài cạnh trên tương tự. Thực hiện tương tự với 4 góc, chú ý chỉ mài 1-2 đường là đủ. Kết quả sau khi vuốt xong như hình dưới và kết quả thử khi viết.
[ATTACH=full]523837[/ATTACH]

[ATTACH=full]523838[/ATTACH]

Line variation không còn như khi chưa mài cursive, nhưng bù lại cảm giác viết đã tốt hơn rất nhiều. Do đây là ngòi M, nên kết quả chỉ có hạn. Nếu ngòi ban đầu là B hoặc BB thì kết quả ra sẽ tốt hơn nhiều.

Bước 6 - Mài trơn và hoàn thiện.
Sau khi hài lòng với kết quả, thì việc cuối cùng quan trọng nhất là mài cho trơn và hoàn thiện. Việc mài trơn thực hiện bằng cách mài tương tự các bước trên với các loại giũa mịn hơn, bắt đầu từ cạnh nhám của giũa 4 cạnh, sau đó tới cạnh tiếp theo và cuối cùng là tới mặt trắng làm bóng. Bước cuối cùng là dùng 1 miếng dán màn hình để làm sạch khe dẫn mực vì khi mài sẽ có các bụi thép dính vào. Kiểm tra xem lá ngòi có lệch hay không, ngâm nước rửa sạch và nhúng mực thử kết quả cuối cùng.

[ATTACH=full]523844[/ATTACH] [ATTACH=full]523845[/ATTACH]

Kết quả khá hài lòng với lần đầu tiên mài :smiley: :smiley: :D. Tổng thời gian em loay hoay mất khoảng nửa tiếng. Các bác nibmaster đương nhiên không mài tay như em mà sẽ dùng dĩa mài xoay nên dự là chỉ tốn 5-10 phút. Chi phí của nibmaster thu vào khoảng $40-$60 tuỳ mỗi người.

Bao giờ kiếm được ngòi dzỏm mà B với BB thì có lẽ kết quả sẽ hài lòng hơn nhiều.

Mài ngòi đê…, 20$ một cái thôi :D:D:D

Kỳ này bác lại thêm nghề tay trái nữa cơ đấy :smiley:

Cái ngòi quý nhất là hạt iridium , phá bỏ nó đi mà còn kiếm thêm mấy chục dollar là việc đáng làm ạ .:smiley:
Bác nào thích mài ngòi thì nên kiếm mấy cái ngòi hư mà tập , em toàn xin ngòi hư mài lại để dùng , đè em X750 ra mài như bác chủ ở đây em thấy xót của quá ạ . Mấy cái ngòi bút Thiên long do khá mềm nên dễ mài và viết mượt hơn ngòi bút thày Ánh . Ngòi Hồng hà trong Nam không có để thử nên em không biết .
Thật ra , mài ngòi là … phá hỏng một cái ngòio_O:(:wink:

Em mê ngòi italic nên sẵn lòng trả tiền để mài ngòi. Ấn tượng với tay nghề bác Masuyama. Nghe đồn bác ấy mài chính xác đến 0.05mm. Giờ thì em ko hứng với round nib nữa

Không mài hết hạt iridium đâu bác, chỉ là mài tạo hình lại nó thôi. Nhưng phải xác định là một khi đã mài thì không còn đường quay lại, do đó phải biết chắc mình muốn mài nó thành như thế nào. Tốt nhất là kiếm cây nào sẵn mượn viết thử, thấy thích hãy yêu cầu mài. Em mà chưa cầm cây ngòi Italic của @yenlinh em cũng không nghĩ sẽ mài.

Mục tiêu tiếp theo em sẽ mài giảm size xuống 1-2 size. Kỹ thuật mài này khác hẳn mài italic nên em sẽ update khi làm.

Em không có ý chê chứ mấy cây viết mài VN không phải mài italic đúng kiểu mà đa số mài sạch luôn iridium. Bữa em cầm 1 cây của cháu em mà thắc mắc mài vậy xài được mấy bữa. Không cầm quan tâm tới iridium thì đơn giản hơn nhiều, muốn to cỡ nào cũng được.

@yenlinh : mài italic rồi mới thấy quan trọng không phải là chính xác theo số đo đâu em, mà quan trọng là mài theo đúng góc viết hay cầm của mỗi người. Cái khúc tinh chỉnh cuối mới là khúc mất thời gian nhất, chứ mà thô ban đầu chừng 5-10p là xong.

Có một dạo , em rất thích mài ngòi , ngòi nào em cũng lấy ra mài , cái nào cũng xài ngon lành , em biết mài ngòi cỡ chừng hơn 30 năm nay . Nhưng bây giờ bảo em mài thì em lại không đụng đến nữa . Em lại thích ngòi tròn . Em đi đúng một vòng , quay về đúng chỗ mình xuất phát . Hic (!)

Cái đó triết học gọi là phát triển theo hình xoáy trôn ốc đó bác :D. Viết hàng ngày, ghi chép nhanh thì không ngòi nào hơn ngòi tròn đâu ạ.

phần cần chú ý nhất khi mài giảm size là cả hai tine phải thật đều nhau , chỉ cần to - nhỏ hơn nhau chút xíu , hoặc độ nghiêng góc không bằng nhau sẽ đưa đến hiện tượng mất nét ở một góc đặt bút nào đó .
Còn một điều này , đúng là các ngòi mài Việt nam thường mài bay hết hạt iridium , hoặc mài sạch mặt dưới , cái này đúng là phá ngòi . Tuy nhiên , với kiểu mài italic nói chung , khi đã mài phẳng mặt dưới , thì hạt iridium còn về mặt hình thức , nhưng chỗ cần lại không còn ( mặt dưới ngòi và mặt dưới " phần mông của trẻ nhỏ " là những nơi chịu ma sát nhiều nhất ), phần còn lại là mặt trên ngòi và mặt trên phần mông trẻ nhỏ , với góc đặt bút 45 - 50 độ thì chẳng còn mấy tác dụng , có như không . Vậy tốt hơn hết , nếu có điều kiện , nên mua hẳn một ngòi italic xuất xưởng tùy thích , còn mài ngòi italic từ ngòi tròn mà không mạ đầu ngòi lại được ,thì độ bền đương nhiên giảm đáng kể .

Bác @fly_us có nhận mài ngòi integarated nib không ạ? có thì bữa nào em vác qua nhờ bác :smiley:

Ngòi gì không là ngòi bác. Mà có điều Myu với Murex em ko chơi đâu, mài có gì em bán thân cũng ko có trả bác :smiley:

Chuẩn bác ạ. Nên em rất ghét mài ngòi, mà ghét nhất là thầy Ánh, tự nhiên nó lại dở dở ương ương bắt chước cái mài ngòi của bọn Tây lông làm cho bao nhiêu học sinh khổ sở vì cái bút gai ko viết được.
Thật ra, HH bọn em ngày xưa sản xuất loại ngòi bút thường là ngòi không hạt, chỉ cần bỏ qua công đoạn điểm hạt Iridium là có ngay cái ngòi Italic/Stub, chứ việc gì phải mài.

PS: Mỗi cái ngòi mài như trên em làm mất 2 phút là hoàn thiện. :smiley:

Bác xài hàng khủng em sao so ạ, em chỉ có trưng dụng đồ giũa móng tay của vợ thôi :smiley:

Mà bây giờ việc em đang thắc mắc nhất là điểm hạt iridium như thế nào chứ ko phải mài :D. Tìm trên mạng thì thấy clip Sailor làm ngòi thì thấy làm bằng máy, nhưng cái em thắc mắc là mấy bác nibmaster làm bằng tay thế nào vì nhiệt độ nóng chảy của hợp kim này rất cao ạ.

Nib master như Mike hay Sunny hình như cũng ko gắn iridium đâu anh. Thành ra họ ko chịu retip. Em hỏi Sunny có làm OBB thành OB được ko thì anh này ko nhận

Retip thì anh biết có Greg Minuskin làm, bữa nghe bác steelblood nói thì có John Mottishaw với mấy ông người Nhật nữa. Nói chung la Nib master thì nhiều nhưng retip thì rất ít nên anh thắc mắc.

Vấn đề mài ngòi khâu quan trọng nhất là có cái kính lúp gắn vào để xem lúc mài đã nhất. Mắt e như mắt bồ câu, con đậu con bay. Lệch phát bay mất tiêu. Mà e cũng k thích mài. Mỗi hãng có caíi khẩu vị khác nhau. Mài thành ra k còn nữa. Em chỉ nghĩ nên mài mấy cây 1920s ngòi flex, retip về xxxf để viết flex. Vì mấy cây flex thời đó ngừ ta làm ra k có ghi là ngòi gì, e nghĩ ngừ mua sẽ retip lại theo nhu cầu mình cần, ví dụ có ngừ thích nét mảnh để viiết copperplate có ngừ thích nét dày để ký v.v…

Retip bác có thể xem trong video sau, đã được một bác post lên HHVN từ khá lâu. Khoảng từ 5:30 bác sẽ bắt đầu thấy cái máy hàn điện dùng để retip, và từ 8:30 là công đoạn retip.

Vâng, em cảm ơn bác. Tuy nhiên, khó đặt hàng từ mấy ông Nhật. Website toàn tiếng Nhật.

Cái vụ retip hay quá, thanks bác cái clip nhiều.