2. Bắt đầu từ cái nhỏ nhất: Cách cầm bút.
Cái nhỏ nhất này thật ra lại là cái khó nhất và mất nhiều thời gian nhất để sửa. Nếu bác đang đọc bài thì em dám chắc là bác đang cầm bút sai kiểu. Cầm thế nào mới đúng? Cách phổ thông nhất là cầm bút bằng ngón cái, trỏ, giữa, 2 ngón còn lại hơi gập lại để tựa lên mặt giấy. Những bác cầm bút bằng 4 hoặc 5 (?) ngón là biểu hiện của vỏ não vận động chưa tiến hoá hết. Nếu đúng là bác cầm bút kiểu vậy thầy thì đừng buồn vì mình giống đười ươi, cái này sửa được.
Bây giờ hãy quan sát cách bác cầm bút bằng 3 ngón.** 2 đốt ngón trỏ của bác đang uốn xuống hay uốn lên? Nếu uốn lên là cầm bút sai** vì 1 trong 2 lý do: cầm bút quá thấp hoặc cầm bút quá chặt. Cầm bút phải cao đủ để ngòi bút và mặt giấy tạo thành góc 45 độ. Nếu góc này của bác bự hơn vậy, xin đừng thử bút ngòi flex không chỉ mấy bữa là hỏng. Ngoài ra, ngón tay chỉ cần cầm bút đủ chặt để giữ cho bút đúng vị trí, tức là chỉ cần 3 đầu ngón tay là đủ. Hãy tưởng tượng bác đang cầm cục đất nặn. Cầm sao để bỏ tay ra nó vẫn nguyên tình trạng ban đầu, khống sứt sẹo méo mó gì tức là cầm đúng. Làm sao để nhìn tay cầm bút vừa chắc chắn lại vừa thanh thoát thì mới đạt đúng cảnh giới.
Nhưng mà cầm bút lỏng lẻo thế thì viết kiểu gì? Viết được. Thói quen cầm bút chặt là do viết bút bi mà ra. Khác với bút mực, bút bi phải ấn mạnh thì nó mới ra mực, thế nên các cháu cứ học hết lớp 5 là viết không ra gì. Nhưng mà bây giờ các bác đã cải tà quy chính, đứng bên bể khổ nhưng đã quay đầu, bút bi đã vứt hết để quay lại bút mực, mà bút mực thì không cần ấn mực nó cũng ra. Bác thử nhả lực rồi viết mà xem.
Vẫn không viết được? Vậy thì tức là cách cử động tay sai. Cái này hơn khó sửa nên em để riêng thành một phần để nhấn mạnh tầm quan trọng.
3. Tưởng như không thể: viết bằng vai.
Từ bé trước khi tập viết ta đều tập vẽ trước, vì vẽ nó dễ hơn viết. Chính vì thế nên nếu không có ai dạy thì mình thường mang những kĩ năng vẽ để viết chữ. Khổ nỗi viết khác vẽ rất nhiều, vậy nên mấy kỹ năng này chẳng giúp ích được gì, thậm chí chủ yếu chỉ làm chữ xấu đi.
Em đang nói đến việc dùng ngón tay và cổ tay để viết. Cái này sai, sai hoàn toàn, vì viết bằng ngón tay đồng nghĩa với việc bàn tay bị dính chặt vào một chỗ trên mặt giấy, khoảng cách từ cổ tay đến mỗi chữ là khác nhau nên không thể nào viết đều được. Các từ tiếng Việt ngắn nên ta không để ý đến vấn đề này, nhưng bác thử viết chữ Government là sẽ thấy ngay. Ngoài ra, cử động ngón và cổ tay nhiều, cộng thêm việc dùng bàn tay làm điểm tựa làm nhanh mỏi tay hơn, viết khoảng 1 trang giấy là đã bắt đầu thấy phê. Thói quen này vậy nên phải sửa.
… Và thay vào đó là dùng vai. Hay đúng hơn là dùng cơ vai để viết. Có nhiều lý do cho việc này. 1 là cơ vai khỏe hơn các cơ kia, đỡ mỏi hơn. 2 là do vai xa bút hơn nên cần di chuyển ít hơn để điều khiển bút (nguyên lý đòn bẩy, mặc dù không học Lý từ năm lớp 8 nhưng em vẫn nhớ ☜(゚ヮ゚☜)). Cuối cùng là dùng vai thì toàn bộ ngón tay, cổ tay, và nửa dưới cánh tay sẽ luôn cùng khoảng cách với chữ, chữ sẽ đều hơn, các bác sẽ viết được to hơn và rõ ràng hơn. Nhờ dùng vai viết mà em đi học take note dùng ngòi stub thoải mái, 1.9 em cũng chơi được chứ đừng nói là 1.1.
Viết bằng vai cũng đặc biệt quan trọng trong calligraphy. Nhiều khi trang trí chữ phải có những nét kéo dài từ đầu này đến đầu kia giấy mà lại dùng ngón tay thì còn gì thanh thoát. Copperplate những nét vòng cung của chữ H chữ G cũng kéo dài đến 3 4 dòng, không dùng vai thẳng sao được. Trước khi tập calligraphy của bác ducati, mong các bác hoàn thiện kĩ năng này trước.
Cách tập khá đơn giản, nhưng bỏ một thói quen hình thành từ lâu không phải là dễ nên các bác cần phải kiên nhẫn. Đầu tiên các bác cần giấy, rất nhiều giấy, và tập vẽ vòng tròn
điểm tựa duy nhất với mặt bàn và mặt giấy là móng tay của ngón áp út và ngón út (hơi nhấc bàn tay khỏi mặt bàn). Nam nhi đội trời đạp đất, uống bát rượu to ăn miếng thịt lớn nên các bác cứ vẽ bự vào cho em, mỗi hình tròn 1/4 tờ giấy vào. Cơ quan nhiều giấy lắm, không sợ hết (còn không em nghe giang hồ đồn đại bác Lao Ngo cung cấp giấy miễn phí cho anh em hay sao đó…) mục đích của bài tập này là để quen với cảm giác dùng cơ vai thế nào, cảm giác ngón tay khi đó ra sao để khi viết bé hơn không phải thắc mắc xem mình đang dùng ngón hay dùng vai. Đề phòng các bác quên, em xin nhắc lại là cầm bút phải lỏng, lực vai khoe hơn lực ngón tay nên cẩn thận hỏng ngòi đấy.
Khi đã khá quen với việc dùng vai, các bác có thể chuyển qua chữ để quen nét. Lưu ý giữ nguyên độ lớn chữ, tập nhỏ không giúp ích được gì cả. Nhỏ nhất cũng phải 3 dòng, các chữ cái bé như a c, m, n là 1 dòng, các chữ bự dài như g, h, k, l là 3 dòng. Khi viết hằng ngày cũng cần cố gắng dùng vai nhiều nhất có thể, liên tục tự nhắc bản thân phải dùng vai để viết.
Đây là bước quan trọng nhất trong việc tập viết. Xong được bước này là coi như xong 1/3 chặng đường.
Em viết đến đây mới nhớ ra trong box toàn các bác thế hệ đi trước, không rõ những điều em nói có áp dụng được hay không. Vậy nên em tạm dừng ở đây chờ ý kiến phản hồi xem sao. Cám ơn các bác đã bỏ thời gian xem xét 