Cơ duyên em đến với bút thủy tinh khá tình cờ. Vốn đã dùng bút máy từ lâu và tính ham vui nên thỉnh thoảng em hay lượn lờ các diễn đàn hay các nơi chia sẻ thú vui để đọc ké. Một lần được nghe giới thiệu về 1 cây bút của thủy tinh của Pháp sản xuất có tên là Kaolo mà hiện nay nhiều dân chơi bút vẫn tìm để sưu tập lấy 1 cây. Thế rồi một người bạn sắp về nước chơi có hỏi xem thích gì không để mua cho. Sau 1 hồi em mới chọn được mấy cây bút thủy tinh.
[ATTACH=full]637008[/ATTACH]
[ATTACH=full]637007[/ATTACH]
Vì khá ấn tượng với nó nên em tìm hiểu lịch sử của dòng bút này viết và vài dòng ạ.
Thông thường những cây bút thủy tinh thường được viết là: “Venetian Glass pens”. Vậy tại sao lại gắn địa danh Venetian (dịch sang tiếng Anh là thành phố Venice của Ý); để tìm hiểu điều này, em có tìm được một chút lịch sử:
Venice trước kia vốn là 1 đế chế ổn định và có tiềm lực trong suốt hơn 1000 năm lịch sử kéo dài suốt từ năm 421 tới tận năm 1797 mới tan rã sau cuộc chinh phạt nước Ý của Napoleon đệ nhất. Trong suốt thời gian tồn tại, nghề đóng tàu và các phường hội thủ công là trụ cột chính của nền kinh tế Venice. Tại Venice, nghề thổi thủy tinh ở hòn đảo nhỏ Murano được bảo vệ rất nghiêm ngặt, nghề chỉ được truyền từ cha cho con trai, mọi sự truyền nghề cho người nước ngoài sẽ bị trừng phạt bằng cái chết, ngoài ra một điều đặc biệt là cấu trúc lò nung vẫn không đổi tới ngày nay. Những sản phẩm thủy tinh gắn nhãn hiệu Murano đứng đầu Châu Âu trong suốt nhiều thế kỉ. Trong số các sản phẩm nổi tiếng đó có cả những cây bút thủy tinh ra đời tại Murano từ những năm 1700 để viết thư và lưu trữ hồ sơ (Trên Youtube nói có video nói bút thủy tinh được sản xuất trong những năm 1900!). Những cây bút thủy tinh đã rất phổ biến trước khi bị lép vế bởi sự xuất hiện của bút máy, bút bi và cả dòng bút chấm mực khác (dip-pen) mà ngòi của nó làm từ kim loại.
Về cấu tạo của bút: Bộ phận quan trọng nhất của bút đương nhiên là ngòi viết. Phần thân bút thông thường cũng được sản xuất từ thủy tinh và gắn cứng vào với ngòi tạo thành 1 cấu trúc nguyên thanh. Có lẽ đây chính là điểm “tử huyệt” của dòng bút này. Do tính mong manh của thủy tinh nên hầu như bút phải để cố định chứ không dễ dàng mang theo như bút máy hay bút bi. Hầu hết ngòi đều được chế tác thủ công, trên thân ngòi chứa các rãnh xoắn để tạo ra dòng chảy xoắn của dòng mực giúp điều chỉnh hài hòa lượng mực ở ngòi viết. Một điểm cộng nữa của kiểu ngòi này là không sợ bị ăn mòn hay rỉ sét của mực, có thể dễ dàng rửa một cách nhanh chóng để chuyển sang loại mực khác.
[ATTACH=full]637009[/ATTACH]
Về cảm giác viết: Với nhiều người, việc quen nhìn những cây bút ngòi vàng mỗi khi viết 2 lá ngòi tách đôi ra, hay những cây bút flex cho ra những nét viết bay bổng với độ đậm nhạt khác nhau thì khi viết bút thủy tinh có lẽ cảm thấy nhàm chán. Điểm thú vị của bút thủy tinh chính là cảm giác khi đưa ngòi viết chạm vào lọ mực, động tác đưa nhè nhẹ để tránh va chạm giữa ngòi với lọ (thông thường cũng bằng thủy tinh) nó cho người viết cảm giác lâng niu, bảo vệ 1 thứ mong manh và thuần khiết. Ngay sau khi nhấc bút khỏi lọ, lại thêm động tác hơi xoay cổ tay để mực phân bố đều trên các rãnh xoắn của ngòi. Có lẽ những động tác này làm cho con người ta thư thái, nhẹ nhàng và chậm lại quanh sự vội vã của thời cuộc. Hầu hết các bút thủy tinh đều cho cảm giác viết “smooth”, và mức độ thì tùy vào loại vật liệu tạo nên ngòi, trình độ của người thợ chế tác, cũng như độ trơn của mực.
Về kích thước ngòi: Em hầu như không tìm được thông tin hay ký hiệu kích thước ngòi của loại bút này. Tuy nhiên, do được viết mấy cây bút thủy tinh khác nhau nên em thấy rằng độ đậm nhạt của dòng bút này không chỉ phụ thuộc vào độ lớn của đầu ngòi mà còn phụ thuộc vào đường kính cũng như kiểu rãnh xoắn , từ đó mà lượng mực chảy xuống sẽ không giống nhau.
[ATTACH=full]637010[/ATTACH]
(Các hình trên đều lấy từ internet)
Trên đây là cảm nhận của riêng cá nhân em. Lượng thông tin tìm để viết về dòng bút này em tìm được không nhiều nên mong bác nào biết nhiều hơn chỉ bảo em ah.
Đây là cây bút em đang dùng:
[ATTACH=full]637012[/ATTACH]
Một số nhãn hiệu nổi tiếng: J.Herbin; Rohrer & Klingner; Murano…
Trân trọng cảm ơn.