Quá lâu mới có chút thời gian ngồi tìm kiếm và chỉnh đốn lại hệ thống âm thanh, phim ảnh ở nhà. Cũng muốn làm từ lâu, nhưng không có mấy hứng thú… đôi khi muốn vứt đi mua cái mới, hiện đại hơn cho xong, nhưng cách đó đơn giản quá và sự nhàm chán sẽ lại sớm quay trở về với hệ thống mới. Đúng là đôi khi hạnh phúc không phải cái đích đạt được, mà là những trải nghiệm trên con đường đạt đến mục đích của mình.
Mọi việc bắt đầu từ việc mua một chiếc RaspBerry Pi. Ý định và mục đích ban đầu là mua về để có đồ thử mày mò điều khiển, manh nha cho một giải pháp Smarthome DIY. Mục đích này chưa biết khi nào thực hiện, không phải không có cơ sở, mà vấn đề hiện tại vẫn là thời gian (cả thời gian nghịch ngợm, và thời gian múc tiền để xây nhà…), nên câu chuyện này sẽ quay lại sau. Việc đầu tiên là sử dụng thử nghiệm khả năng về performance của RaspBerry Pi. Đơn giản nhất là cài đặt làm player thay cho đầu TVIX đang dùng. Xử lý đồ hoạ, âm thanh các thứ… vẫn là cách tốt nhất và nhanh nhất để đạt được mục đích. Một chiếc RaspBerry Pi có giá 40$, thẻ Micro SD 8GB tìm đâu đó trong đống đồ cũ, hoặc mua mới với giá vài trăm K, quá rẻ cho một thứ tương tự trên thị trường retail consumer. Nếu ai có mua, đừng mua kèm với case bằng các miếng nhựa ghép lại nhé, loại case ghép này chất lượng rất kém, mà giá lại đắt.
[ATTACH=full]508849[/ATTACH]
Rất nhiều lựa chọn cho việc cài đặt một hệ điều hành cho chiếc Pi này để làm chức năng Player. Có thể kể ra đây vài phiên bản điển hình tôi lựa chọn:
- OpenElec từ http://openelec.tv/
- Kodi từ http://kodi.tv/
- OSMC từ https://www.raspberrypi.org/downloads/
Dùng khá OK, một số phiên bản phải điều chỉnh lại tham số của hệ thống để chiếc Pi này có thể chơi được file MKV có bit rate cao cho âm thanh và hình ảnh (Full HD, DTS…). Ngoài việc thử các media có sẵn trên chiếc Buffalo Duo có sẵn, chiếc RaspBerry Pi còn có thể cài đặt thêm một số addons thêm để có thể xem TV trực tuyến. Một số kênh Việt Nam, và xem được kênh RT News LIVE được streaming miễn phí trên Internet khá tốt. Ban đầu tôi có thể thấy khá ổn với phương án này: Buffalo Duo, Raspberry được cài đặt Koki hoặc OpenElec…
[ATTACH=full]508857[/ATTACH]
Chiếc Buffalo Duo mua khá lâu rồi, từ một member trên HHVN này, giá đâu vài trăm K nữa, đây là phiên bản hàng second hand, không phải phiên bản mới mà sau này Viettel phân phối bán tại Việt Nam. Firmware gốc của Buffalo có sẵn BitTorrent client, cho phép đặt lịch download phim miễn phí một cách túc tắc nhẹ nhàng, mà không tốn mấy điện. Lại rất tiện cho việc lưu trữ, chia sẻ các thứ trong mạng LAN tại nhà. Và như thế có thể tạm hài lòng trong phạm vi kinh phí hạn hẹp cho ai muốn làm Home Media. Không tính chi phí cho màn hình, âm ly/receiver, loa đã có sẵn nhé!
Nhưng cách này chưa phải là tốt nhất.
Khuyết điểm ở chính bản thân các phần mềm trên.
- RaspBerry Pi: Kodi hoặc OpenElec chạy rất không ổn định, chậm, thỉnh thoảng khởi động lại mất toàn bộ settings đặt đặt cho hệ thống. Màn hình không đúng độ phân giải. Đôi khi treo một cách bí ẩn. Và càng ngày càng chậm. Khi vào duyệt danh sách media lớn, có thể treo luôn, không có cách nào khác ngoài cách: cài lại hệ điều hành. Điều này tương tự với việc Burn lại ROM cho chiếc điện thoại, hoặc cài lại Windows như các bác HHVN ngày xưa hay làm, trong nhóm cài lại Windows đó có ông Tuấn béo cài Windows 3 lần/tuần (thậm chí còn hơn).
- Buffalo: Firmware gốc chỉ có duy nhất giao thức SMB. Có thể cài thêm NFS nhưng rất bất tiện, vì cần phải hack firmware, cài thêm một số libraries và chạy vài câu lệnh. Mỗi lần bị mất điện, hoặc khởi động lại Buffalo là phải làm lại. Chi tiết cho ai thích mày mò với Firmware gốc và NFS có thể tham khảo tại đây: http://buffalo.nas-central.org/wiki/Category:LS-WXL
- Khi Buffalo chỉ làm chức năng share content, RaspBerry Pi làm Player có cái dở là việc render và hiển thị thông tin media libraries không được tốt, chậm… (hiển thị poster của phim, poster của đĩa nhạc, diễn viên, thông tin giới thiệu sơ lược…), và khi burn lại ROM thì mất hết, phải làm lại. Chuối thế, đồ open source chả nhẽ lởm thế, không ai dùng nên chẳng có mấy thông tin, hoặc mọi người tự thoả mãn, coi như OK và Trust.
Tìm kiếm phương án thay thế và khắc phục các khuyết điểm trên là từ tạm ổn thành tốt thôi nhỉ. Phương án thay thế mà cá nhân tôi tìm kiếm, đánh giá, thử nghiệm và lựa chọn như sau:
Buffalo Duo, tuy hơi cổ, nhưng có lẽ giá trị mang lại ít nhất gấp vài lần so với số tiền vài trăm K bỏ ra. Cũng xứng đáng với hàng Nhật, nhưng phải cảm ơn các bạn Hungary anh em :D. Việc đầu tiên là thay thế firmware gốc của Buffalo bằng Firmware được customize. Rất may là firmware mới có sẵn công cụ upgrade firmware cho cả Windows và Mac OS, nên việc nâng cấp rất đơn giản và dễ dàng. Chi tiết mời xem tại đây: http://www.tomatosoft.hu/gadgets/
[ATTACH=full]508873[/ATTACH]](‘http://www.tomatosoft.hu/gadgets/’)
Trong firmware mới này, không những có sẵn NFS, mà quan trọng hơn là tận dụng thời gian nhàn rỗi của Buffalo mà bổ sung thêm phần Plex Media Server. Phần bổ sung này thực sự đáng giá, và biến một chiếc Buffalo cổ lỗ thành một chiếc NAS đáng đồng tiền bát gạo, mang lại nhiều giá trị sử dụng hơn cho chủ nhân.
Chiếc Buffalo kỳ cạch BitTorrent bây giờ có thêm tính năng là của một chiếc Plex Media Server. Các bạn có thể tự tìm hiểu thêm về Plex Media Server là gì trên website chính thống: https://plex.tv/ Tuy nhiên tôi có thể tóm tắt lại vài nội dung chính của Plex Media Server là:
- Phần mềm quản lý toàn bộ Media Libraries của cá nhân bao gồm: Movies, TV Show, Music, Image…
- Tự động tìm kiếm và tổ chức thành một thư viện với đầy đủ các thông tin: Ảnh poster, thông tin của Movies/Music trên internet…
- Cho phép truy cập từ xa khi sử dụng account tại Plex.TV, mở loại account miễn phí và đăng ký Plex Media Server với account đó bằng cách đăng nhập vào Plex TV khi vào hệ thống quản lý Plex Media Server. Vừa phục vụ mục đích quản lý từ xa, vừa phục vụ mục đích xem luôn từ xa. Một tài khoản có thể quản lý không giới hạn số Plex Media Server mình có.
- Cho phép sử dụng nhiều player khác nhau, tuỳ thuộc vào năng lực của server và đường truyền. Có thể xem bằng trình duyệt web tại bất cứ đâu, trên smartphone/tablet, trên máy tính, trên RaspBerry Pi… nhiều lắm.
- Chia sẻ Media Libraries của cá nhân với các member khác, dĩ nhiên nên chia sẻ ở cùng khu vực địa lý cho nhanh. Tôi nghĩ chức năng này khá tiện cho các nhóm chơi HD hiện nay, thay vì copy thì share luôn, xem xong trả lại bằng cách mời cafe nhau để vừa chém gió, vừa thắt chặt tình đoàn kết…
Có ai đang ở Đà Nẵng mà cũng dùng Plex Media Server thì ới tôi nhé!
- Nhiều tính năng khác mà có lẽ các bạn nên tự tìm hiểu, khám phá… Plex là một câu chuyện tôi nhường lại cho các bạn tự khám phá và chia sẻ với mọi người!
Một số hình ảnh giao diện của Plex Media Server. Các hình ảnh này có thể xem trên trình duyệt web khi vào trang quản lý cục bộ của Plex Media Server chạy độc lập, hoặc thông quan tài khoản tại Plex.TV, hoặc trên chính các player: Smartphone/Tablet, RaspBerry Pi, PC, Laptop…
[ATTACH=full]508875[/ATTACH]
Khi xem chi tiết một thông tin Movie
[ATTACH=full]508878[/ATTACH]
Khi xem chi tiết một thông tin Music
[ATTACH=full]508879[/ATTACH]
Một bước nhưng khiến cho Buffalo trở nên chất hẳn. Plex cũng có luôn bản ROM cho RaspBerry Pi, đây là phiên bản rút gọn và được lựa chọn từ OpenElec, bỏ bớt và bổ sung những thứ cần thiết để biến chiếc RaspBerry Pi trở thành một Plex Player, chạy nhanh hơn, ổn định hơn. Đây là bước thứ 2 hoàn hảo để biến giải pháp rẻ tiền trở nên một lựa chọn/giải pháp giá trị gấp nhiều lần so với số tiền bỏ ra.
Giờ thì những thứ sưu tầm được từ lâu nay, nhờ có Plex Server biến chúng từ những thư mục rời rạc, vô cảm… thành những thứ màu mè, hấp dẫn; và mở ra cơ hội chia sẻ với cộng đồng, hàng xóm xung quanh nếu muốn, và còn nhiều hơn thế nữa.
Hôm nay, tạm viết vài dòng tổng hợp lại những kinh nghiệm này để chia sẻ với các bạn. Hy vọng tương lai có thêm thời gian, và đủ hứng thú để làm những thứ dự định khác với những đầu tư nhỏ nhưng mang lại giá trị lớn khác.