Tôi thấy chuyên mục Khoa học-Sức khỏe-Giáo dục hơi đìu hiu nên có ý định viết mấy bài chuyên đề về “Tiêm chủng cho trẻ nhỏ”. Những bài viết này được tôi biên soạn từ các tài liệu chính thống với mục đích để các AE tham khảo, nhất là những ai đã và chuẩn bị có em bé. Mọi thắc mắc hoặc muốn tìm hiểu thêm, có thể post lên diễn đàn hoặc gửi vào hộp thư của tôi. Hy vọng, AE có được những thông tin hữu ích.
**1. Tiêm chủng là gì?
**Rất khó để viết cho dễ hiểu về khái niệm “tiêm chủng”. Tuy nhiên diễn giải dưới đây có thể giúp ích cho chúng ta hiểu về khái niệm này.
Người ta chia bệnh thành 2 nhóm (dĩ nhiên có nhiều cách phân loại khác): Bệnh nhiễm trùng (còn gọi là bệnh truyền nhiễm) - Bệnh không nhiễm trùng. Bệnh nhiễm trùng (ví dụ: tả, AIDS, viêm gan vi rút B.v.v.) là bệnh gặp phổ biến hơn ở những nước nghèo, kém phát triển, điều kiện y tế kém. Ngược lại bệnh không nhiễm trùng (ví dụ: ung thư, tim mạch.v.v.) lại xuất hiện nhiều hơn ở những nước công nghiệp phát triển. Bệnh nhiễm trùng là những bệnh lây, tác nhân gây bệnh được truyền từ một cá thể mắc bệnh sang một cá thể lành thông qua 1 công cụ lây truyền nào đó.
Khi nói đến bệnh nhiễm trùng, người ta thường nhắc đến 3 yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau: vật chủ - vật ký sinh (tác nhân gây bệnh) – môi trường. Ví dụ về bệnh tả: tác nhân gây bệnh là phẩy khuẩn tả-vật chủ là con người (có nghĩa là phẩy khuẩn tả có thể sinh sôi-phát triển trên cơ thể người)-môi trường: thức ăn, nước uống, phân là những nơi mà phẩy khuẩn tả có tồn tại được.
Để khống chế (làm giảm số mắc, chết) một bệnh nhiễm trùng nào đó, người ta có thể áp dụng các biện pháp nhằm phá vỡ mối liên quan giữa 3 yếu tố nói trên. Về lý thuyết, nếu có thể tiêu diệt hết tác nhân gây bệnh hoặc vật chủ trung gian truyền bệnh hoặc tạo miễn dịch chủ động cho vật chủ (con người) thì có thể thanh toán được bệnh nhiễm trùng nào đó. Tạo miễn dịch chủ động cho vật chủ để phòng bệnh luôn là một biện pháp đem lại hiệu quả cao với chi phí thấp. Tiêm (uống) vắc xin chính là cách thức tạo miễn dịch chủ động để phòng bệnh và được gọi là tiêm chủng hoặc chích ngừa, chủng ngừa (theo cách nói của người miền trung, miền nam).
**2. Ai cần phải tiêm chủng?
** Tất cả những ai chưa có miễn dịch để phòng 1 bệnh nào đó đều cần được tiêm chủng. Nói như vậy, không có nghĩa là mọi người đều đi tiêm chủng. Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực y sinh học nhưng hiện nay, con người mới chỉ chế tạo được một số vắc xin phòng được một số ít các bệnh nhiễm trùng. Trong số đó, mới chỉ có khoảng 10 loại vắc xin được sử dụng phổ biến trên toàn cầu.
Với những bệnh đã có vắc xin để phòng, người ta cần phải tiến hành tiêm chủng càng sớm càng tốt cho con người để người được có thể phòng được bệnh một cách sớm nhất trước khi bị tác nhân gây bệnh tấn công. Do đó, những người chưa có miễn dịch hầu hết là trẻ em.
Vậy độ tuổi nào của trẻ là độ tuổi thích hợp để tiêm chủng hay bất cứ trẻ nào sau khi sinh đều phải tiêm chủng? Mỗi loại vắc xin đều có những chỉ định sử dụng cho một độ tuổi nào đó thích hợp. Các nhà khoa học khi nghiên cứu để sản xuất vắc xin đều phải tìm hiểu và xác định độ tuổi nào là thích hợp để tiêm một loại vắc xin nào đó. Thích hợp có nghĩa là đó là thời điểm sớm nhất có thể tiêm được, vắc xin sau khi tiêm sẽ tạo ra miễn dịch với khả năng phòng bệnh là cao nhất, có độ an toàn cho nhất cho người được tiêm.
Tuy nhiên, không phải chỉ có trẻ em mới là đối tượng duy nhất cần phải tiêm chủng. Hệ thống miễn dịch của người lớn ngày càng phát triển đến mức hoàn thiện đủ sức để đề kháng trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Mặt khác, trong quá trình phát triển, con người được tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh (nhưng không đủ để gây thành bệnh) đã kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh ra những chất (gọi là kháng thể) có khả năng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh đó.
Người lớn thường được yêu cầu tiêm chủng khi đi vào những vùng có dịch – những vùng mà sự lưu hành bệnh cao – những vùng đang thực hiện các biến pháp nhằm tiến tới thanh toán, xóa bỏ một bệnh nhiễm trùng nào đó – những vùng mà việc kiểm soát bệnh nhiễm trùng được thực hiện ở mức rất cao (ví dụ Mỹ). Nếu ai đó đã từng đi di học Mỹ sẽ biết rõ chuyện này. Chính phủ Mỹ yêu cầu du học sinh, những người dự định cư trú lâu dài phải có xác nhận được tiêm phòng một số bệnh như sởi, quai bị, rubella.v.v. trước khi nhập cư vào Mỹ.
…. (tạm nghỉ).
Phần tiếp theo sẽ được tôi post sau nhé nếu mọi người quan tâm.