Những chú “gà” mê sim đẹp…
**“Mỗi con sim đẹp được rao bán ở rất nhiều nơi, có thể mấy năm mới bán được, họ bán cho “gà” mê sim nên giá cao ngất ngưởng". **
Thị trường sim ĐTDĐ đang bị thả nổi! Đó là điều chắc chắn vào thời điểm hiện tại. Sau khi tung ra các đầu số mới, kho số này hầu như được chuyển giao cho các đại lý, và số phận hàng triệu số sim do các đại lý quyết định. Thế nên mới có chuyện, cùng một bao bì đựng sim có giá 60 ngàn đồng (một thẻ sim và một tài khoản nhất định) nhưng có hàng chục, thậm chí hàng trăm mức giá khác nhau.
Có số sim giá trị bằng cả chiếc BMW đời mới, ngược lại, cũng có số sim giá trị chỉ bằng… bát phở gà buổi sáng. Ai quyết định giá bán bát nháo này? Đó chính là các ông chủ kinh doanh sim. Tất nhiên, khách hàng có thể trả giá nhưng quyết định cuối cùng để con sim mơ ước thuộc về ai là của các ông trời con này.
Nguyên lý mua, bán sim được các ông chủ sim thực hiện triệt để theo phương châm “mua của người chán, bán cho người thèm”. Việc bùng nổ thông tin điện tử và các tờ thông tin rao vặt chính là phương tiện và cơ hội để các ông chủ sim phù phép và rao bán những số sim được cho là đẹp, VIP của họ. Chỉ cần bỏ ra vài chục, vài trăm hoặc vài triệu là thoải mái rao bán cả tháng, nếu “bắt” được một vài con “gà” mua sim đẹp thì đã sống khoẻ re…
Sau một thời gian không thấy “lộc”, thấy “phát” mà chỉ thấy bị làm phiền nên muốn bán đi và hy vọng sẽ thu được khoảng 50%. “Giấc mơ” này không bao giờ thành hiện thực vì có rao bán với giá chỉ bằng một phần ba giá đã mua cũng không thể bán được. Lý giải điều này, Tùng “con” – chuyên gia sim đẹp tiết lộ: “Mỗi con sim đẹp được rao bán ở rất nhiều nơi, có thể mấy năm mới bán được, họ bán cho “gà” mê sim nên giá cao ngất ngưởng.
http://img89.imageshack.us/img89/9661/lamson.jpg
Sim số đẹp loạn giá bán trên phố Kim Mã
Còn khi anh không thích mà đem rao bán thì thường hay sốt ruột, người mua sim đẹp lại ít nên rất khó bán, nếu chấp nhận bán với giá dưới 30% giá mua thì các chủ kinh doanh sim mới có thể mua lại và tiếp tục rao bán theo kiểu… trường kỳ mai phục”. Anh bạn tôi, một đại gia đã từng được đối tác tặng một con sim ngũ phúc 77777 với giá 20 triệu đồng. Vì ngại đổi số mới, nên rao bán trên mạng và tờ Mua & bán, mấy tháng trời cũng chẳng ai ngó ngàng đến, cuối cùng phải bán cho một cửa hàng ĐTDĐ trên đường đê La Thành với giá gần 3 triệu đồng.
Sim đẹp đã vậy, còn sim cỏ thì sao? Nó cũng có số phận chìm nổi không kém những số sim đẹp. Hiện nay, theo công bố của 3 mạng di động là Mobifone, Vina Phone, Viettel thì tổng số thuê bao đang tồn tại vào khoảng gần 100 triệu. Tuy nhiên, theo điều tra của chúng tôi, số thuê bao trả sau của các mạng này khó vượt con số 20%, số thuê bao không tồn tại thực tế (đã ngừng hoạt động, vứt đi…) chiếm khoảng 30%. Số sim không hoạt động chính là sim cỏ, sim rác.
Với cách chạy đua khuyến mại như hiện nay, mua trọn bộ sim với giá từ 30 ngàn đồng – 45 ngàn đồng thì có một thẻ sim và 120 ngàn đồng – 160 ngàn đồng trong tài khoản thì đa số tầng lớp “bình dân” đều mua thêm một máy điện thoại rẻ tiền để dùng thêm một số sim khuyến mại. Chị Thu, sinh viên năm cuối trường ĐH Hà Nội tâm sự: “Hầu hết trong năm các mạng đều có khuyến mại khi khách hàng hoà mạng thuê bao mới. Chỉ cần bỏ ra 45 ngàn đồng là có đến 160 ngàn đồng trong tài khoản và một số sim cỏ (bỏ một được bốn), rẻ hơn rất nhiều so với nạp tiền vào sim cũ. Bọn em cứ dùng hết tiền là vứt đi, mua sim mới.
Sinh viên bọn em đứa nào cũng có mấy chục cái sim, những chẳng bao giờ thèm nhớ số”. Loại sim này mua ở đâu cũng có và không cần đăng ký thông tin cá nhân (dù là điều kiện bắt buộc) nên rất đắc dụng trong việc dùng vào mục đích xấu. Hàng loạt các vụ đòi tiền chuộc, vu khống, đe doạ tính mạng và xúc phạm… nhau qua điện thoại trong thời gian qua đã không để lại dấu vết vì thông tin về chủ nhân của sim bằng 0.
Đây cũng là căn nguyên của nạn tin nhắn rác bùng phát trong 2 năm qua mà không thể xử lý dứt điểm. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền Thông đã thanh tra và phát hiện cả 3 Cty Mobifone, Vina Phone, Viettel đều vi phạm qui định về đăng ký thông tin cá nhân đối với thuê bao trả trước và sắp tới sẽ có hướng xử lý. Nực cười là trong bản đăng ký thông tin cá nhân, có chủ thuê bao sinh năm 20020, có chủ thuê bao tên là B, hoặc Không gì hết, số chứng minh cũng chỉ có duy nhất một số tự nhiên…
Ấy vậy mà vẫn hoà mạng thành công. Những chiếc sim cỏ, sim rác này chính là “phần thừa” của những số sim đẹp. Sau khi lọc hết các con sim đẹp trong một dải số, sim cỏ được tung ra các cửa hàng ĐTDĐ, quán bia, quán trà vỉa hè, quán cơm bụi để bán theo kiểu “được đồng nào hay đồng ấy”. Có hàng vạn số sim cỏ kích hoạt nhưng không bao giờ được “chia sẻ cùng ai” vì nó không một lần được gọi đi. Đó là những chiếc sim chuyên dùng để “bắn” tài khoản trong những đợt khuyến mại.
Mạng Vina Phone, thỉnh thoảng lại cho phép các thuê bao đã tồn tại trên 6 tháng được “bắn” tiền cho nhau, khi thì 5 ngàn đồng, lúc 10 ngàn đồng, 25 ngàn đồng… Một bộ sim mua vào thời điểm khuyến mại gần 40 ngàn đồng (tài khoản 160 ngàn đồng), được các chủ cửa hàng ĐTDĐ “ôm” vào và đợi khi nhà mạng cho phép thì “bắn” cho khách hàng theo thoả thuận:
Bỏ 125 ngàn đồng thì được nhận 200 ngàn đồng. Nếu tính cả việc mỗi số ĐT khi kích hoạt có đăng ký thông tin cá nhân được tặng 15 ngàn đồng thì lợi nhuận là một con số khổng lồ. Ví dụ, một đại lý lớn dùng dụng cụ chuyên dụng để kích hoạt một vạn sim/ngày thì lợi nhuận thu được là 150 triệu đồng, sau đó các sim này lại được lãi gấp đôi khi “bắn” tài khoản…
Còn ai được nuôi béo?
Câu trả lời vừa dễ, vừa khó. Dễ vì ai cũng biết lợi nhuận rơi vào túi các ông chủ chuyên kinh doanh sim số và những người đứng phía sau, giúp sức cho họ. Một ông chủ chuyên kinh doanh sim tiết lộ: “Nếu không có quan hệ tốt với người của các Cty viễn thông thì đừng hy vọng trở thành Big Boss (ông chủ lớn) trong lĩnh vực một vốn… mấy chục lời này”. Khó vì rất khó có bằng chứng người của các Cty viễn thông thu lợi bằng cách nào, qua ai?
Chắc chắn vì những quan hệ cộng sinh, không chủ kinh doanh nào dại gì tiết lộ thông tin để tự hất đổ bát cơm của mình. Tuy nhiên, nếu không có những ông chủ thực sự đứng phía hậu trường thì những ông chủ trực tiếp kinh doanh sim cũng không thể làm mưa, làm gió trong thị trường sim như hiện nay.
Kinh doanh có lợi nhuận cao đương nhiên là điều được nhà nước khuyến khích. Tuy nhiên, chỉ những hành vi kinh doanh tuân thủ các qui định của luật pháp mới được khuyến khích, các hành vi nâng giá, trốn thuế, lừa đảo trong thị trường sim ĐTDĐ trước sau cũng sẽ bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”…
Trong vài năm qua, CQCA đã phát hiện, xử lý nhiều vụ lừa đảo bán sim đẹp, cướp sim đẹp… Thủ đoạn của bọn tội phạm là: Dùng nhiều số ĐT khác nhau điện thoại cho một số đẹp bất kỳ sau đó ra trung tâm phục vụ khách hàng báo mất. Sau khi kê khai 5 hoặc 10 số gọi đến, gọi đi là chúng đương nhiên lấy được chủ nhân đích thực (chiêu này giờ không thực hiện được vì các chủ sim đẹp đã đăng ký thông tin cá nhân).
Rao bán trên mạng những sim đẹp đã kích hoạt với thông tin cá nhân của mình, sau khi giao sim và nhận tiền thì ra trung tâm báo mất sim để lấy lại sim mới; Bán sim đẹp nguyên hộp, có dán niêm phong, số sim (làm giả) cho khách hàng rồi… bùng. Những khách hàng chủ quan không mở sim ra kích hoạt ngay sẽ rất dễ bị “ăn đòn”…
http://img12.imageshack.us/img12/802/53876583.jpg
[RIGHT]Theo PL&XH[/RIGHT]